Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 13, trong đó Sở VH-TT-DL TPHCM được giao soạn thảo đề án “Quy hoạch phát triển ngành nghề vũ trường, karaoke đến năm 2020, tầm nhìn 2025”.
Theo đó, dự kiến từng quận huyện sẽ có khu vực riêng để kinh doanh karaoke. Vũ trường dự kiến sẽ đưa vào hoạt động tại các khách sạn, trung tâm văn hóa. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Phương, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VH-TT-DL TPHCM.
Giấy phép kinh doanh karaoke có thời hạn 2 năm
* PV: Sau nhiều năm tạm ngưng cấp phép loại hình kinh doanh karaoke, vũ trường, nay UBND TPHCM đã có chủ trương cấp phép mới hai loại hình kinh doanh này. Thủ tục cấp mới giấy phép tiến hành ra sao?
* Ông TRẦN MINH PHƯƠNG: Theo Chỉ thị 13 của UBND TPHCM ban hành ngày 25-4-2012, căn cứ trên nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương, quận huyện là nơi đề xuất nhu cầu và quy hoạch các ngành nghề kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Chỉ thị đã giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh dịch vụ kinh doanh karaoke, rà soát việc cấp phép kinh doanh ngành nghề này đối với các cơ sở có dấu hiệu hoặc đang kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội… Hiện nay các quận huyện đã nhận hồ sơ đăng ký cấp mới, giấy phép kinh doanh karaoke có thời hạn 2 năm.
Từ đề xuất này, Sở VH-TT-DL rà soát, đề xuất UBND TP số lượng cấp phép mới kinh doanh karaoke và vũ trường từng quận huyện. Việc cấp mới này sẽ khống chế số lượng, theo nhu cầu thực tế và quy hoạch của từng địa phương. Sau khi UBND TP quyết định số lượng, vị trí các tuyến đường, khu vực được kinh doanh karaoke cho từng quận huyện, Sở VH-TT-DL sẽ dựa vào đó để cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường cho từng cơ sở xin cấp phép.
* Thưa ông, nhu cầu của người dân về các hoạt động giải trí như karaoke, vũ trường là chính đáng, vậy việc quy định khu vực kinh doanh như đề án đưa ra liệu có gây bất tiện cho dân?
* Chúng tôi luôn xác định nhu cầu của người dân về karaoke, vũ trường là có thật và việc quy hoạch kinh doanh karaoke trước tiên phải dựa trên nhu cầu của người dân ở từng quận huyện. Mỗi quận huyện sẽ có số lượng, vị trí khác nhau để kinh doanh karaoke chứ không phải nơi nào cũng giống nhau. Theo định hướng của Sở VH-TT-DL thì trong tương lai, dịch vụ karaoke nên đi vào từng khu vực, không nhỏ lẻ, manh mún, xen kẽ trong khu dân cư ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Quan điểm của sở là tạo điều kiện kinh doanh, góp phần làm phong phú các hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chống biểu hiện tiêu cực trong hoạt động văn hóa. Việc quy hoạch hướng tới mục đích làm sao để các hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường trở thành điểm sáng văn hóa của TP. Ý tưởng này khi đưa ra, phần đông các quận huyện đều ủng hộ. Đáng lên án là những người lợi dụng các hoạt động này để kinh doanh biến tướng. Thực tế thời gian qua, hầu hết các điểm karaoke vi phạm bị phát hiện đều không phép.
Không có chuyện đề xuất thành lập “khu đèn đỏ”
* Có ý kiến cho rằng quy hoạch vùng hoạt động kinh doanh ngành nghề nhạy cảm đồng nghĩa với thừa nhận nghề nhạy cảm, chẳng hạn như mại dâm?
* Thực tế hiện nay, các ngành nghề kinh doanh vũ trường, karaoke, nhà hàng, khách sạn, xông hơi xoa bóp, hớt tóc thanh nữ… thường xảy ra biến tướng, tệ nạn. Do một bộ phận kinh doanh gây biến tướng để thu lợi bất chính đã làm ảnh hưởng đến môi trường chung và những người kinh doanh chân chính. Từ nạn sử dụng ma túy, thuốc lắc đến nguy cơ lan truyền HIV/AIDS trong cộng đồng, ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn. Đó là chưa kể có nhiều người hoạt động mại dâm bị phạt hành chính nhưng không có tiền đóng phạt thì cũng không biết xử lý bằng cách nào. Điều này khiến hoạt động mại dâm có chiều hướng công khai và ngày một gia tăng, vì thế khi tập trung vùng quy hoạch sẽ thuận lợi cho việc quản lý hơn. Ý tưởng này dựa trên mô hình ở một số nước như Thái Lan, Singapore nhưng chỉ là ý tưởng của cơ quan tham mưu đề xuất TP xin chủ trương trung ương để làm thí điểm. Hiện tại, Việt Nam vẫn không công nhận mại dâm là nghề hợp pháp, thậm chí không coi đó là một nghề. Thế nên không có chuyện đề xuất thành lập “khu đèn đỏ”.
* Từ năm 2005 đến cuối năm 2012, TPHCM không thực hiện cấp mới giấy phép kinh doanh vũ trường, karaoke, dư luận cho rằng đã có tình trạng “chạy” giấy phép? Thực tế, Nghị định 103/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-1-2010, cho phép quy hoạch lại ngành nghề karaoke, vũ trường nhưng đến cuối năm 2012, TPHCM mới xem xét vấn đề quy hoạch?
* Phải có lý do và lộ trình. Do TPHCM chưa phê duyệt quy hoạch vũ trường karaoke theo quy định tại “Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” (theo Nghị định 11/NĐ-CP) và chấn chỉnh hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường (theo Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nên chậm cấp mới giấy phép kinh doanh hai loại hình này… Còn chuyện “chạy” giấy phép, tôi khẳng định là không có và nếu có là giấy phép giả.
| |
MINH AN - KHẮC THI (thực hiện)