(SGGPO).- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu là đến năm 2020, khối lượng vận tải hành khách đạt 450 - 500 triệu lượt hành khách/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,1%/năm, trong đó năng lực thông qua các cảng hàng không - sân bay trong vùng khoảng 11,8 triệu hành khách năm 2020. Vận tải hành khách công cộng tại thành phố Cần Thơ đạt tỷ lệ từ 10% - 15% nhu cầu đi lại và tại các thành phố khác trong vùng đạt tỷ lệ từ 5% - 10% nhu cầu đi lại. Lượng hàng hóa đạt khoảng 100 - 110 triệu tấn/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm, trong đó lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đến năm 2020 khoảng 58,5 triệu tấn/năm.
Về quy hoạch phát triển vận tải, sẽ hình thành 5 hành lang vận tải chủ yếu gồm: Hành lang TPCHM - Cần Thơ - Cà Mau; Hành lang TPHCM - Long Xuyên (An Giang) - Rạch Giá (Kiên Giang); Hành lang TPHCM - Hà Tiên (Kiên Giang); Hành lang Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc (An Giang); Hành lang Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.
Đồng thời, sẽ đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 32,3 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc loại A, gồm 4 làn xe. Từng bước xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc khác phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể mạng lưới đường bộ cao tốc được duyệt với khả năng nguồn vốn.
Cụ thể gồm đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Ngọc Hồi - Chơn Thành - Rạch Giá), đường bộ cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường bộ cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Quy hoạch cũng nêu, phấn đấu đến năm 2015 đạt được 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, các xã cù lao chưa xây dựng được cầu đường bộ phải có bến phà; 100% đường huyện và tối thiểu 70% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa...
PHAN THẢO