Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ tạo đột phá cho các dự án trọng điểm trong vùng

Các chuyên gia nhận định, việc thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ là rất quan trọng. Quỹ này nếu được thông qua và trực tiếp trực thuộc Hội đồng vùng sẽ đủ sức mạnh để huy động các nguồn lực tài chính đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trong vùng.

Ngày 18-7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.

Đồng chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong vùng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo về kế hoạch triển khai hoạt động Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.

Theo Bộ trưởng, việc Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của người đứng đầu Chính phủ đối với vùng Đông Nam bộ, một vùng kinh tế động lực, một cực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của cả nước, nhằm nhanh chóng cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ để đạt các mục tiêu phát triển đã đề ra của vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mặc dù đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhưng phát triển vùng Đông Nam bộ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả.

Xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.

Các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ngập úng cục bộ tại TPHCM và một số địa phương trong vùng chưa được giải quyết.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đồng chủ trì và điều hành hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đồng chủ trì và điều hành hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chính vì vậy, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ việc cần đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn vùng Đông Nam bộ.

Để phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ trong thúc đẩy liên kết vùng để đạt được các mục tiêu phát triển chung, Bộ KH-ĐT đã dự thảo kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng trong 6 tháng cuối năm 2023. Trong đó, phân công cho 11 bộ, ngành 42 nhiệm vụ và mỗi địa phương 3 nhiệm vụ, đề nghị các bộ, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục cập nhật, bổ sung và tập trung tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 154 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24.

Cùng với đó, chủ động thành lập các tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh để giúp các thành viên Hội đồng vùng thực hiện các nhiệm vụ điều phối phát triển vùng Đông Nam bộ. Nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực để tích hợp trong quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các địa phương, đặc biệt là TPHCM cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tiến độ trước ngày 31-12-2023.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương triển khai các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của Trung ương gắn với đảm bảo nguồn lực phù hợp, tiếp tục nghiên cứu thực hiện thí điểm phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy.

Các bộ, địa phương cần tăng cường trách nhiệm, vai trò chủ động và sáng tạo huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia… trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết; xác định cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ trương phân cấp cho địa phương thực hiện và có sự điều phối chung để triển khai các dự án hạ tầng chiến lược vùng Đông Nam bộ, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Mô hình TOD: "Gà đẻ trứng vàng"

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đề nghị, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ theo dõi, điều phối, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, bộ ngành để triển khai đồng bộ các đề án, dự án phát triển vùng. Ông cũng cho rằng cần phải sớm có quy hoạch vùng, trong đó, Hội đồng vùng phải tính toán để các quy hoạch của địa phương nằm trong tổng thể định hướng quy hoạch vùng.

TS Trần Du Lịch phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trần Du Lịch phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng thời, ông đề nghị nhanh chóng xây dựng và phê duyệt các đề án quy hoạch của các tỉnh và thành phố trong vùng, trong đó cần có sự phối hợp để hình thành rõ nét cơ chế, hình thành kinh tế vùng.

TS Trần Du Lịch đề cập đến chính sách phát triển giao thông, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có cơ chế phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), tức là kết nối đô thị, dân cư với giao thông. Ông đề nghị các địa phương trong vùng cũng có thể vận dụng mô hình này để hoàn thiện kết nối giao thông trong vùng. Khi TPHCM và các tỉnh trong vùng làm tốt mô hình TOD này, các quỹ đất xung quanh các dự án giao thông là nguồn lực rất lớn cho sự phát triển. TS Trần Du Lịch ví đây là "con gà đẻ trứng vàng" cho nguồn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống giao thông.

TS Trần Du Lịch đề nghị tăng phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng khi thực hiện Nghị quyết 24. TPHCM cũng đang thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội. Do đó, có thể mở rộng phân cấp phân quyền theo năm, theo lĩnh vực cho các địa phương trong vùng.

Về xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TS Trần Du Lịch đề nghị kết hợp cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với cảng hiện hữu là cảng Cái Mép để không có "đối chọi, cạnh tranh" nhau giữa hai cảng này mà phối hợp lại để trở thành một cửa ngõ quốc tế, nơi trung chuyển hàng hóa mang tầm cỡ quốc tế. Ông cũng đề nghị cần có cơ chế phối hợp để xây dựng một khu mậu dịch tự do, tức là FTA để khai thác tối đa phần cảng biển.

TS Trần Du Lịch đề cập vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia trong việc tham gia, đóng góp vào hiệu quả hoạt động chung của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.

TS Trương Minh Huy Vũ phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trương Minh Huy Vũ phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham gia góp ý, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu TPHCM nhấn mạnh việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ là quyết định mang tính đột phá và cốt lõi trong việc tháo gỡ điểm nghẽn của vùng, tạo cơ chế huy động nguồn lực và huy động tài chính đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong vùng.

Đồng thời, việc xem xét thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ là rất quan trọng. Quỹ này nếu được thông qua và trực tiếp trực thuộc Hội đồng vùng sẽ đủ sức mạnh để huy động các nguồn lực tài chính đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trong vùng.

Về huy động nguồn lực, huy động tài chính, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng, cần huy động nguồn lực từ ngân sách Trung ương, các địa phương, từ nguồn vốn ODA và các nguồn lực đầu tư từ tư nhân, đặc biệt là từ các định chế tài chính quốc tế.

TS cũng nhấn mạnh thêm đến mối quan hệ về tài chính quốc tế và xu thế về kinh tế xanh, kinh tế số. Trong quá trình thực hiện vai trò của quỹ trong thu hút nguồn lực, nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trở thành nguồn lực tài chính rất quan trọng. Những vấn đề này cần được lồng ghép bằng nhiều hình thức khác nhau trong Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục