Quy trách nhiệm, tăng giám sát tài sản công

Thảo luận về dự án Luật Quản lý tài sản công chiều 10-11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần có sự phân loại khoa học hơn để từ đó quản lý, sử dụng hiệu quả. Có ý kiến đề nghị cần luật hóa việc đấu giá biển số ô tô, xe máy, số điện thoại bởi nguồn thu từ việc đấu giá hứa hẹn sẽ rất lớn.
Quy trách nhiệm, tăng giám sát tài sản công

Thảo luận về dự án Luật Quản lý tài sản công chiều 10-11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần có sự phân loại khoa học hơn để từ đó quản lý, sử dụng hiệu quả. Có ý kiến đề nghị cần luật hóa việc đấu giá biển số ô tô, xe máy, số điện thoại bởi nguồn thu từ việc đấu giá hứa hẹn sẽ rất lớn.

Chỉ rõ chủ thể quản lý, sử dụng

Theo ĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam), việc khai thác, sử dụng tài sản công cần quy định rõ chủ thể sử dụng với chủ thể quản lý chung để xác định trách nhiệm pháp lý. Hiện nay, việc cho thuê tài sản công thực chất đang diễn ra dù chưa có luật, do đó, khi luật hóa việc cho thuê như đất sẽ góp phần tăng thu. Tuy nhiên, việc này cũng cần giám sát, có chế tài, tránh khai báo thêm nhằm trục lợi. Xung quanh quy định đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết, ĐB Hà Thị Minh Tâm đề nghị xem xét lại bởi lẽ nếu xảy ra thua lỗ sẽ khó quy trách nhiệm và có thể Nhà nước lại đứng ra trả. Từ thực tế các đơn vị sự nghiệp công lập góp vốn kinh doanh thường thua lỗ, dễ phát sinh tiêu cực, đại biểu này đề nghị nếu áp dụng thì cần xem xét kỹ để tránh vụ lợi.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

 
Dự thảo quy định, cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác sử dụng chung theo đúng mục đích và thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí. Bình luận về quy định này, theo ĐB Hồ Đức Phớc (Nghệ An), Tổng Kiểm toán Nhà nước, không nên quy định như vậy vì điều đó có thể khuyến khích cơ quan nhà nước khi xây dựng trụ sở tăng quy mô công trình để sau cho thuê… Còn theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), việc phân loại tài sản công cần được cụ thể hơn. Việc này có thể thực hiện theo 3 cách. Thứ nhất là phân loại theo chủ thể quản lý để gắn trách nhiệm như: tài sản cơ quan nhà nước sử dụng; của đơn vị công lập… Thứ hai là theo mục đích sử dụng để khai thác hiệu quả như: tài sản công vừa sử dụng vừa kinh doanh… Thứ ba là tài sản đáp ứng yêu cầu hạch toán ghi chép để thống kê gồm: tài sản kế toán được, quy được giá trị và tài sản không kế toán được và không xác định được giá trị. Trong đó, có thể lấy cách phân chia theo chủ thể làm xương sống phân loại tài sản công. Việc phân loại như vậy sẽ giúp hệ thống được tài sản công và dựa trên đó để phục vụ quản lý, kinh doanh, từ đó hiệu quả hơn.

Chia sẻ vấn đề này, theo ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), sở dĩ việc quản lý, sử dụng tài sản công ở Việt Nam kém hiệu quả, nảy sinh tham nhũng là do không minh bạch trong cách thức quản lý. Quản lý, sử dụng tài sản công không chỉ là duy trì mà còn phải phát triển, nhất là đất đai, tiền tệ, tài sản hữu hình và vô hình… Do đó, việc phân loại nên theo mục đích quản lý hay sinh lời, trong đó nếu sinh lời cần cơ chế năng động linh hoạt, theo cơ chế thị trường.

Cũng liên quan đến phân loại tài sản công, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị bổ sung biển số xe trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn, cần tận dụng tối đa các nguồn lực. Việc đưa tài sản này vào luật, từ đó có căn cứ để tổ chức đấu giá theo yêu cầu, nhu cầu dân và Nhà nước không phải mất vốn, trả lãi. Ví dụ như tại Nghệ An vừa qua, biển số ô tô 4 số 9 đấu giá thu về được 700 triệu đồng; hay như đấu giá số điện thoại 6 số 8 của Viettel thu hơn 1 tỷ đồng… Trong khi đó, với số lượng ô tô được bán ra hàng năm vài trăm ngàn chiếc thì giai đoạn 2018 - 2020 có thể số ô tô tiêu thụ khoảng 1,8 triệu chiếc. Giả sử 25 triệu đồng/1 biển số xe thì ngân sách có thể thu được 45.000 tỷ đồng. Với xe máy thì nguồn thu có thể lớn hơn ô tô vì số lượng, nhu cầu với xe máy là rất lớn. Từ phân tích trên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị phân loại biển số xe thành 3 loại: số đẹp, số theo yêu cầu của người dân và số bấm nút ngẫu nhiên (không đấu giá).

Cụ thể hóa việc giám sát, xử lý

Dự thảo quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công. Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, quy định về giám sát của cộng đồng với tài sản công còn mang tính hình thức khi không có điều khoản nếu phát hiện vi phạm thì xử lý ra sao; nghĩa vụ cung cấp thông tin, báo cáo với người giám sát như thế nào của người quản lý, sử dụng tài sản công… “Nếu tất cả đều chưa được quy định chi tiết thì quy định giám sát cộng đồng chỉ mang tính hình thức”, ĐB Hà Sỹ Đồng nói. ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị, tổ chức giám sát có quyền yêu cầu đơn vị được giám sát cung cấp tài liệu liên quan và được tham gia phản biện các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng cho rằng, quy định công khai chưa đảm bảo việc giám sát thường xuyên, do đó cần bổ sung quy định về công khai trên chính tài sản công đó thông tin: cơ quan quản lý, cơ quan được giao, mục đích sử dụng… Với đất đai thì gắn biển hiệu; trụ sở, xe ô tô thì dán nhãn… và chỉ thực hiện với tài sản công mới phát sinh. Việc này nếu thực hiện sẽ giúp việc cộng đồng giám sát được mục đích sử dụng của tài sản đó. Còn ĐB Hà Thị Minh Tâm thì đề nghị việc giám sát cần bổ sung trách nhiệm của tổ chức công đoàn, thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp để các cán bộ, công nhân viên giám sát trực tiếp và hiệu quả hơn.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục