Quyền của người lao động

“Nguyên đơn cần nghiêm túc, không được cười trong lúc bị đơn đang nói…”. “Tôi thấy chuyện nực cười nên cười” - nguyên đơn đáp lại khi bị thẩm phán nhắc nhở. Đến lần thứ ba điệp khúc này được lặp lại, có lúc nguyên đơn còn chống tay lên ghế thách thức, buộc thẩm phán phải mời ra khỏi phòng xử. Phiên tòa dù tiếp tục, nhưng thái độ của nguyên đơn vẫn bất cần, xem việc khởi kiện người sử dụng lao động - chủ doanh nghiệp - nơi mình gắn bó làm việc gần 3 năm trời là đúng pháp luật và những người đại diện cho phiên tòa phải có trách nhiệm bảo vệ, xét xử công minh.

Được Công ty ĐV ký hợp đồng lao động với chức danh kế toán trưởng, nhưng thời gian làm việc mới được hơn 2 năm thì bà Dương Thị T. Nh. - nguyên đơn trong vụ kiện tỏ ra không đáp ứng được yêu cầu công việc, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ giao. Ngày 12-8-2014, Công ty ĐV ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với bà Nh. Bà Nh. chấp hành thông báo này và có nguyện vọng bàn giao công việc, không vào công ty làm việc từ ngày 14-8 để đi tìm việc làm khác.

Đến ngày 14-9, thay vì ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động theo thông báo, Công ty ĐV mời bà Nh. vào tiếp tục làm việc. Ngày 16-9 bà Nh. vào làm việc và chấp hành sự phân công của lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, đến ngày 26-9, bà Nh. tự ý nghỉ việc không xin phép. Việc vi phạm kỷ luật lao động và các điều khoản hợp đồng của bà Nh. đã rõ. Cuối tháng 11, Công ty ĐV 3 lần ra văn bản mời bà Nh. vào họp hội đồng kỷ luật, nhưng bà Nh. không chấp hành.

Ngày 4-12-2013, Công ty ĐV ra quyết định sa thải và chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Nh. Bà Nh. khiếu nại lên Thanh tra Lao động, Sở LĐTB-XH TPHCM và nơi đây đề nghị hai bên thỏa thuận với nhau. Công ty ĐV vẫn giữ nguyên quan điểm xử lý bà Nh, nhưng chấp nhận trả 3 tháng lương trong thời gian bà Nh. nghỉ việc, hỗ trợ 2 tháng lương và đóng BHXH đến hết tháng 11-2013. Bà Nh. không chấp nhận và yêu cầu Công ty ĐV phải nhận lại làm việc, bồi thường và trả lương trong 18 tháng nghỉ việc với số tiền 108 triệu đồng. Công ty ĐV không chấp nhận và bà Nh. khởi kiện ra Tòa Lao động, TAND quận Bình Thạnh. Kết quả, tòa đã tuyên bác mọi yêu cầu của nguyên đơn và ghi nhận thiện chí của bị đơn với những khoản có lợi cho người lao động.

Bộ luật Lao động mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013 có nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong đó có việc người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn mà không có lý do chính đáng; thông báo chấm dứt hợp đồng lao động phải được người lao động có ý kiến bằng văn bản chấp nhận; áp dụng kỷ luật sa thải không đúng… Những quy định này trao quyền cho người lao động quá lớn và đặt người sử dụng lao động phải có trách nhiệm với người lao động trong mọi hoàn cảnh.

Thế nhưng, trong trường hợp trên, người lao động đã tự đánh mất quyền của mình, thay vì thực hiện quyền được lao động thì lại vi phạm kỷ luật lao động, để cuối cùng người sử dụng lao động phải sử dụng quyền của mình đã được pháp luật cho phép.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục