Nhằm khẳng định vai trò và vị trí về quyền lợi, nghĩa vụ của người tiêu dùng quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011, ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, theo đó lấy ngày 15-3 hàng năm là “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”.
Đây được xem là những cột mốc quan trọng trong quá trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (NTD) trong tiến trình hội nhập, mở cửa thị trường. Với việc ra đời của bộ luật này, lần đầu tiên quyền lợi NTD được bảo vệ bằng pháp luật, thể hiện cụ thể qua Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, là quyền được “đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp…”. Những nội dung cơ bản này cũng đã được ghi trong Hiến pháp nước ta. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần đảm bảo các quyền của NTD.
Từ khi có luật, NTD cũng từng bước ý thức tốt hơn về quyền của mình. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong 2 năm 2012 - 2013, nếu số vụ việc khiếu nại của NTD gửi tới bộ trung bình khoảng 300 vụ/năm thì đến giai đoạn 2014 - 2016 đã tăng lên hơn 1.500 vụ/năm. Tại sở công thương các tỉnh, thành và UBND cấp quận, huyện, số vụ khiếu nại của NTD gửi đến cũng tăng rất cao. Nếu năm 2012 mới chỉ có 105 vụ thì đến năm 2015 - 2016 đã tăng lên hơn 500 vụ.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia, nếu so sánh với các vụ việc xâm hại quyền lợi NTD diễn ra trên thực tế thì số vụ việc khiếu nại của NTD gửi đến các cơ quan chức năng là quá nhỏ. NTD hiện vẫn chưa thực sự cảm thấy an toàn. Sức khỏe, tính mạng, quyền lợi hợp pháp, tài sản, không gian sống của NTD vẫn luôn bị xâm hại, bị lừa đảo, chiếm đoạt bởi những tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không giữ chữ tín, cố tình làm ăn gian dối, kinh doanh ảo - lừa đảo, cung cấp hàng kém chất lượng, thiếu an toàn thực phẩm…
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa hiệu quả là do công tác kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm đến quyền lợi NTD của các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm; chưa chủ động giải quyết những bức xúc của NTD. Một thực tế là nhân lực chuyên trách do ngành công thương quản lý không đáp ứng được yêu cầu. Còn tại một hội thảo về quyền lợi NTD tổ chức năm 2016, một quan chức của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho hay, Phòng Bảo vệ NTD của cục chỉ có 8 cán bộ chuyên trách về công tác này. Còn tại các sở công thương cũng chỉ mới bố trí được một công chức, ở cấp quận, huyện hầu như chưa bố trí được nhân lực chuyên trách công tác này. Ngay như TPHCM, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD cũng không có văn phòng cố định vì hoạt động của hội vẫn dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Do văn phòng bị dời chuyển liên tục nên hoạt động của hội trong suốt năm 2015 gần như gián đoạn. NTD chủ yếu được tư vấn qua điện thoại. Năm 2016 vừa qua, Sở Công thương mới bố trí chỗ ở mới cho hội.
Việc thực thi luật chưa hiệu quả còn có một nguyên nhân khác, đó là NTD rất ngại khiếu kiện do tâm lý ngại va chạm, ít người dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình. Cùng với đó, công tác quảng bá, giới thiệu hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD và đưa ra những cảnh báo cho NTD còn ít. Hệ quả là NTD khi bị lừa, bị xâm hại quyền lợi thì không biết đòi quyền lợi của mình ở đâu… Trong khi đó, quy định về việc miễn tạm ứng án phí khi khởi kiện chưa có hướng dẫn thực thi cụ thể nên thủ tục phức tạp, tốn thời gian và kinh phí khiến NTD rất ngại khiếu kiện. Điều 43 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định, NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án. Nhưng trong Điều 12 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án liệt kê những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí thì không bao gồm trường hợp NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình… Với những văn bản quy định trái chiều, đã đẩy NTD vào tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”.
Để việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải tạo tính minh bạch và nhất quán cho các quy phạm pháp luật về bảo vệ NTD. Việc chế tài, xử phạt đối với hàng giả, hàng kém chất lượng cũng chưa tạo được sự nghiêm minh. Các cơ quan hữu quan cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD; tăng cường và chú trọng phát triển các hội bảo vệ quyền lợi NTD. Nên bắt buộc các tổ chức cá nhân kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD không giống những bộ luật khác, là phải có đủ “4 tay” gồm “Nhà nước - DN - các tổ chức công tác xã hội - NTD” thì mới có thể thực hiện hiệu quả. Điều này cũng đồng nghĩa, đã đến lúc phải xã hội hóa công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Mỗi một công dân phải là một NTD thông minh, có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.
Thúy Hải