Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo Công bố kết quả khảo sát nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) ở Việt Nam do Cục Quản lý cạnh tranh vừa tổ chức tại Hà Nội. Đáng lưu ý, có tới 56% số NTD bị xâm phạm quyền lợi trong khoảng thời gian từ năm 2011-2015, trong đó 44% lựa chọn phương pháp im lặng.
Micro giả hiệu này nếu không bị phát hiện sẽ làm quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại. Ảnh: THÀNH TRÍ
Ngại khiếu nại, tranh chấp
Cuộc khảo sát ghi nhận ý kiến, nhận thức của 3.000 NTD tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy, 70% số NTD được hỏi có biết đến Luật BVQLNTD và 71% số người trả lời biết các quyền lợi cơ bản của NTD.
Về ứng xử của NTD với doanh nghiệp (DN) khi xảy ra tranh chấp trong tiêu dùng, mặc dù số lượng người tham gia khảo sát trả lời đã từng bị xâm phạm quyền lợi với tư cách NTD là khá lớn (chiếm đến 56%), xảy ra trong nhiều lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ khác nhau, nhưng số lượng người quyết định phương án để có thể tự bảo vệ mình như chủ động khiếu nại trực tiếp tới tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc yêu cầu các cơ quan, tổ chức BVQLNTD hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, khi được hỏi “Trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ và xảy ra tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh, thì thường chọn phương án nào?”. Có tới 44% số người được hỏi chọn phương án im lặng và bỏ qua vụ việc; 20% chọn phương án yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức BVQLNTD; 36% thực hiện việc khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Lý do được người tham gia khảo sát đưa ra cho việc im lặng, bỏ qua vụ việc là vì giá trị tranh chấp nhỏ (38,56%); vì cho rằng thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp (22,5%); đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết (15,2%); vì không biết đến quy định pháp luật có liên quan (11,1%); vì không biết đến cơ quan, tổ chức hỗ trợ giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng (10,75%)…
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, trong đó nhóm hàng hóa, dịch vụ được NTD phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua, gồm: thực phẩm, nước giải khát (19,69%); đồ điện tử, gia dụng (13,05%); hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (12,88%); điện thoại, viễn thông (9,17%); du lịch, nhà hàng (5,6%), y tế, chăm sóc sức khỏe (5,29%).
Ông Phan Thế Thắng, Phó Trưởng phòng BVQLNTD nhìn nhận, kết quả khảo sát đã thể hiện đúng thực trạng thị trường tiêu dùng cũng như các khiếu nại chủ yếu của NTD hiện nay, trong đó “nóng” nhất là vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng, chế độ bảo hành đồ điện tử gia dụng, điện thoại, viễn thông…
Xem cách phân biệt ampli chính hiệu và giả tại một hội nghị ở TPHCM
Hệ thống pháp lý còn bất cập
Phát biểu tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, quyền lợi NTD vẫn đang bị xâm phạm trên diện rộng, ở nhiều ngành hàng, nhiều loại hình kinh doanh khác nhau. Trong khi đó, công tác BVQLNTD chưa hiệu quả, nguyên nhân chính là do công tác kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm đến quyền lợi NTD của các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm; chưa chủ động giải quyết những bức xúc của NTD, chỉ khi quyền lợi NTD bị xâm hại thì lúc đó cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc xử lý.
Không chỉ vậy, mạng lưới hội viên các Hội BVQLNTD còn quá mỏng, chưa phát triển được nhiều hội viên, cộng tác viên tuyên truyền. Kinh phí dành cho hoạt động này không nhiều cũng là nguyên nhân khiến việc BVQLNTD gặp nhiều khó khăn. Việc thực thi luật chưa hiệu quả còn có một nguyên nhân khác là NTD rất ngại khiếu kiện do tâm lý ngại va chạm, có rất ít người dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình. Theo đó, công tác quảng bá, giới thiệu hoạt động BVQLNTD và đưa ra những cảnh báo cho NTD còn ít. Hệ quả là NTD khi bị vi phạm nhưng lại không biết đòi quyền lợi của mình ở đâu…
Tại nhiều hội thảo trước đó, các chuyên gia đã chỉ ra vấn đề cơ bản khiến NTD ngại tham gia bảo vệ quyền lợi cho chính mình là quy định về việc miễn tạm ứng án phí khi khởi kiện chưa có hướng dẫn thực thi cụ thể nên thủ tục phức tạp, tốn thời gian, kinh phí. Điều 43 Luật BVQLNTD quy định NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án. Nhưng trong Điều 12 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án liệt kê những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí thì không bao gồm trường hợp NTD khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình… Với những văn bản quy định trái chiều như thế đã đẩy NTD vào tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”. Vấn đề này đã được các hội và luật sư kiến nghị khá nhiều nhưng chưa tìm được tiếng nói chung.
Để việc thực thi Luật BVQLNTD đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải tạo tính minh bạch cho các quy phạm pháp luật về bảo vệ NTD. Việc chế tài, xử phạt đối với hàng giả, hàng kém chất lượng chưa tạo được sự nghiêm minh. Theo đó, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức BVQLNTD. Tăng cường và chú trọng phát triển các Hội BVQLNTD vì đối tượng họ bảo vệ là tất cả NTD. Nên bắt buộc các tổ chức cá nhân kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.
Bà Phạm Quế Anh, chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cũng cho rằng, việc vận dụng kết quả khảo sát trong thực tiễn là rất cần thiết. Để nâng cao hiệu quả công tác BVQLNTD tại Việt Nam cần tính đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết về vi phạm quyền lợi NTD, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến. Bên cạnh đó, cần áp dụng quy trình tiên tiến vào cơ chế giải quyết khiếu nại để những người nghèo, vùng sâu, vùng xa yếu thế hơn có thể tiếp cận. Về lâu dài cần xây dựng cơ chế khiếu nại tập thể, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của NTD vì mục tiêu tiêu dùng xanh bền vững trong tương lai.
KIM CHUNG