Số Hạ nghị sĩ của mỗi bang được xác định tỷ lệ thuận với dân số của bang. Quốc hội Mỹ bao gồm 2 viện: Hạ viện và Thượng viện. Hạ viện gồm 435 thành viên và Thượng viện gồm 100 thành viên (2 thành viên từ mỗi bang trong số 50 tiểu bang). Thành viên của Hạ viện (Hạ nghị sĩ) được bầu với nhiệm kỳ 2 năm, không giới hạn về số lần được bầu lại. Thành viên của Thượng viện (Thượng nghị sĩ) được bầu với nhiệm kỳ 6 năm, và các cuộc bầu cử vào Thượng viện được diễn ra so le, 1/3 Thượng viện được bầu 2 năm/lần. Không có giới hạn về số lần được bầu lại.
Đại cử tri
Mỗi bang được phân bổ số đại cử tri dựa trên số Hạ nghị sĩ cộng với 2 Thượng nghị sĩ. Có tổng số 538 đại cử tri (đại diện cho 435 Hạ nghị sĩ và 100 Thượng nghị sĩ cùng với 3 đại cử tri của Đặc khu Columbia). Mỗi đại cử tri bỏ một phiếu duy nhất trong cơ quan lập pháp bang của họ vào giữa tháng 12 (41 ngày sau ngày bầu cử tổng thống, năm nay là ngày 14-12). Tại 51 cuộc họp (50 tiểu bang cộng Đặc khu Columbia) được tổ chức cùng ngày, các đại cử tri cùng bỏ phiếu. Chính vì có sự tập hợp kết quả bầu cử của 51 nhóm nên mới có định nghĩa kỹ thuật là “đại cử tri đoàn”, mặc dù 51 nhóm này thực sự không tập hợp về chung một nơi để bầu cử. Tổng thống được bầu nếu nhận được hơn một nửa số phiếu đại cử tri, tương đương 270 phiếu.
Hiếm có trường hợp một đại cử tri tổng thống không bỏ phiếu cho liên danh tranh cử tổng thống thuộc đảng của mình; những người như thế được gọi là “đại cử tri không trung thành”. Một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ nhóm họp 2 viện để tuyên bố người đắc cử. Nếu một ứng cử viên tổng thống nhận được 270 (cho đến năm 2009) hoặc nhiều hơn số phiếu đại cử tri tổng thống, người chủ tọa (thường là phó tổng thống đương nhiệm) tuyên bố ứng cử viên đó là tổng thống đắc cử, và một ứng cử viên phó tổng thống nhận 270 hay nhiều hơn số phiếu đại cử tri được tuyên bố tương tự là phó tổng thống đắc cử.
Có thể xảy ra trường hợp một tổng thống đắc cử chiếm đa số phiếu đại cử tri nhưng không giành được đa số phiếu phổ thông; như trường hợp bầu cử tổng thống năm 2000, ông George W.Bush thuộc Đảng Cộng hòa chiến thắng trước ứng cử viên Đảng Dân chủ là Al Gore để trở thành Tổng thống Mỹ với số phiếu của đại cử tri đoàn lần lượt là 271 - 266, nhưng thua ông Al Gore trên tổng số phiếu phổ thông. Vì lý do này mà một số người cho rằng, hệ thống đại cử tri đoàn là một sự bóp méo nền dân chủ thật sự trong một xã hội dân chủ. Cuộc bầu cử năm 2016 cũng vậy, số người bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton nhiều hơn Donald Trump là 3 triệu người với tỷ lệ lần lượt là 48,02% - 46,01%. Nhưng ông Trump đã chiến thắng vì giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn bà Clinton là 306 - 232.
Bầu đại cử tri
Để trở thành đại cử tri, một người cần trải qua 2 vòng bầu cử. Đầu tiên, các đảng ở mỗi bang sẽ chọn một loạt ứng viên đại cử tri tiềm năng trước ngày bầu cử. Tiếp đó, vào ngày bầu cử, cử tri phổ thông tại mỗi bang sẽ chọn ra đại cử tri ở bang đó bằng cách bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống. Vòng 1: Không có quy định thống nhất về phương thức lựa chọn đại cử tri trên toàn quốc mà mỗi bang có một quy định riêng. Về cơ bản, các đảng sẽ đề cử một danh sách đại cử tri tiềm năng tại kỳ họp đại hội đảng của bang mình, hoặc họ có thể chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban quốc gia của các đảng. Đây là những người có đóng góp nhiều cho đảng, các quan chức dân cử của bang, lãnh đạo đảng đó và người có quan hệ chính trị/cá nhân với ứng viên tổng thống của đảng mình. Vòng 2: Cử tri phổ thông sẽ cùng lúc chọn ra tổng thống và đại cử tri. Việc này thực hiện trên cùng 1 lá phiếu. Tên của đại cử tri tiềm năng có thể có hoặc không xuất hiện trên lá phiếu (nếu có thì tên họ sẽ nằm dưới tên ứng viên tổng thống), tùy thuộc vào quy trình bầu cử và phương thức bỏ phiếu ở từng bang.
Theo các chuyên gia của Đại học Prager, có 3 lý do nước Mỹ cần phải duy trì hệ thống bầu cử Cử tri đoàn. Thứ nhất, nó khuyến khích xây dựng các liên minh và vận động trên toàn quốc gia. Bởi vì chiến thắng chung cuộc đòi hỏi sự ủng hộ từ một nhóm cử tri đa dạng từ khắp nơi trên đất nước. Thứ hai, nó giúp cho mọi bang và mọi cử tri đều có tầm quan trọng ngang nhau trong cuộc bầu cử. Có nghĩa là 51% dân số không thể áp đặt sự chuyên chế lên 49% dân số còn lại. Thứ ba, nó cũng làm cho việc đoán định một cuộc bầu cử trở nên khó khăn hơn. Các cử tri đoàn khiến cho các ứng viên không thể dự đoán được bang nào sẽ là quan trọng nhất. Do đó, các ứng viên không thể biết được họ cần lấy phiếu bầu ở nơi nào và bỏ qua nơi nào. Tuy vậy, trong một cuộc bỏ phiếu phổ thông, số phiếu áp đảo ở bất kỳ đâu sẽ ảnh hưởng đến kết quả tổng thể.
Hiến pháp Mỹ khẳng định Hệ thống cử tri đoàn là vô cùng cần thiết để đảm bảo một cuộc bầu cử mang tính công bằng.
Vận động và chi tiêu cho bầu cử
Năm 2010, Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết chi tiêu cho hoạt động chính trị là chi tiêu cho một hình thức tự do ngôn luận và do đó được Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ. Kết quả là, từ năm 2010, các ứng cử viên có thể sử dụng không hạn chế số tiền của riêng mình để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử. Phán quyết này cũng mang lại nhiều tự do hơn cho các “Ủy ban hành động chính trị” (PAC), được hình thành khi các cá nhân, doanh nghiệp, các nhóm lợi ích gom và quyên tiền để ủng hộ các ý tưởng, các ứng cử viên, các sáng kiến bỏ phiếu hoặc đạo luật cụ thể. Theo luật liên bang, một tổ chức sẽ trở thành một PAC khi nhận được hoặc chi tiêu hơn 2.600 USD nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử liên bang. Các bang có luật riêng quy định khi nào một tổ chức sẽ trở thành một PAC.
Tại sao các chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ lại tốn kém đến vậy? Câu trả lời ngắn gọn là chi phí truyền thông đến 100 triệu cử tri trong 12 tháng hoặc hơn trong mùa tranh cử tổng thống rất đắt đỏ. Các ứng cử viên tổng thống phải vận động tranh cử ở cấp quốc gia và tại 50 bang. Điều này có nghĩa họ phải thuê nhân viên vận động cả ở cấp bang và cấp quốc gia, trực tiếp gặp gỡ cử tri, thông qua truyền hình quốc gia và địa phương, đài phát thanh và các phương tiện truyền thông xã hội. Để thực hiện chiến dịch tranh cử, ứng cử viên cần phải thuê nhân viên; bố trí văn phòng và phương tiện đi lại; tiến hành nghiên cứu; phát hành các bài trình bày quan điểm; quảng cáo trên đài phát thanh và truyền hình, trong các ấn phẩm và trên Internet; và thực hiện hàng loạt buổi xuất hiện trước công chúng và các sự kiện gây quỹ.
Theo Center for Responsive Politics (CRP) - tổ chức độc lập chuyên theo dõi hoạt động chi tiêu trong chính trị ở Mỹ - tổng chi phí bầu cử Mỹ 2020 lên tới gần 14 tỷ USD, phá vỡ các kỷ lục trước đó. Số liệu của CRP cho hay, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden sẽ là ứng cử viên đầu tiên trong lịch sử huy động được 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ. Chiến dịch của ông Biden mang con số kỷ lục 938 triệu USD tính đến ngày 14-10. Tổng thống Donald Trump huy động được 596 triệu USD. Về chi tiêu, ông Biden chi 560 triệu USD để quảng bá trên truyền hình, hạ tầng kỹ thuật số và truyền thanh. Trong khi đó ông Trump chỉ chi 425 triệu USD cho các hạ tầng này.