Quyền lực số định hình cục diện chính trị

Trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan hồi tháng 5 vừa qua, đảng Tiến bước (MFP) do ông Pita Limjaroenrat (42 tuổi) - một nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng internet - lãnh đạo, giành được 151 ghế, vượt qua tất cả các đối thủ.
Ảnh chụp màn hình các video clip ngắn về các chính trị gia Thái Lan trên nhiều nền tảng xã hội trước cuộc bầu cử ở Thái Lan vừa qua
Ảnh chụp màn hình các video clip ngắn về các chính trị gia Thái Lan trên nhiều nền tảng xã hội trước cuộc bầu cử ở Thái Lan vừa qua

Tờ Tảo báo của Singapore nhận định sự trỗi dậy của truyền thông xã hội tượng trưng cho sự trỗi dậy của kiểu “quyền lực số” hoàn toàn mới, trở thành công cụ mạnh mẽ được các lực lượng chính trị sử dụng để định hình nhận thức và vận động xã hội. Ai nắm được truyền thông xã hội, người đó có thể nắm được lợi thế của “quyền lực số”.

Sức ảnh hưởng lớn

Trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan hồi tháng 5 vừa qua, đảng Tiến bước (MFP) do ông Pita Limjaroenrat (42 tuổi) - một nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng internet - lãnh đạo, giành được 151 ghế, vượt qua tất cả các đối thủ. Tương tự, đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) do bà Paetongtarn Shinawatra - con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra lãnh đạo - cũng đạt kết quả tốt, giành được 141 ghế. Tài khoản Facebook của ông Pita Limjaroenrat có hơn 1,37 triệu lượt theo dõi, Instagram của bà Paetongtarn Shinawatra có hơn 500.000 lượt theo dõi, trong khi đảng Vì nước Thái do bà lãnh đạo chỉ có 29.000 lượt theo dõi.

MFP được thành lập vào năm 2019, là một chính đảng thanh niên non trẻ và năng động trên chính trường Thái Lan. Nhà lãnh đạo đảng Pita Limjaroenrat là nhân vật có tố chất chính trị và nhờ vào lực lượng truyền thông xã hội mạnh mẽ đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở Thái Lan, đồng thời thiết lập nền tảng cử tri khổng lồ.

Trước cuộc tổng tuyển cử, các chính đảng lớn khởi động “cuộc chiến không khói súng”, tranh giành cử tri kịch liệt trên các nền tảng truyền thông xã hội. Các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và TikTok đã phát huy vai trò quan trọng. Một báo cáo của Công ty khảo sát dư luận toàn cầu Meltwater và Tổ chức truyền thông Anh We Are Social cho thấy tính đến trước thềm cuộc tổng tuyển cử, Thái Lan có khoảng 52,3 triệu người sử dụng linh hoạt các nền tảng truyền thông xã hội, chiếm 72% dân số cả nước.

Trước đó, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ứng cử viên có ảnh hưởng trên mạng internet là ông Donald Trump có gần 6 triệu lượt theo dõi đã dẫn dắt cuộc bầu cử truyền thông xã hội lần đầu tiên trên toàn cầu, đồng thời thành công trong việc xây dựng hình tượng “quản trị đất nước bằng Twitter”.

Dao hai lưỡi

Đặc điểm của thế hệ gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) là am hiểu công nghệ và sử dụng thành thạo internet, các thiết bị thông minh và truyền thông xã hội, đồng thời ngưỡng mộ những “người có ảnh hưởng” trong thế giới mạng. MFP và ông Pita Limjaroenrat đã nắm được lưu lượng truy cập của nhóm đối tượng này. Thông qua các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và TikTok, ông Pita Limjaroenrat định hình thành công hình tượng “giàu có, đẹp trai, tinh anh xã hội, lãnh đạo dư luận”, trở thành ứng cử viên sáng giá nhất đại diện cho “đổi mới, sáng tạo, năng động, tiến bộ” trong tâm trí thế hệ gen Z.

Tuy nhiên, tờ Tảo báo cho rằng “quyền lực số” cũng là con dao hai lưỡi. Một mặt, nắm bắt được công nghệ thuật toán của truyền thông xã hội có thể thông qua dữ liệu lớn (big data) để phân tích, phát hiện khuynh hướng, sở thích, mong muốn, cảm xúc của cử tri, cũng như khả năng gia tăng ảnh hưởng, đồng thời xây dựng kho thông tin cá nhân hóa liên quan đến sở thích của khán giả, sau đó tiến hành gửi chính xác quan điểm tranh cử vào tài khoản người dùng, từ đó tác động đến ý chí bỏ phiếu của cử tri.

Mặt khác, “quyền lực số” cũng mang lại rủi ro tham nhũng số và tội phạm số. Những tài khoản giả mạo lan truyền nhiều tin đồn chính trị và tin tức giả có liên quan, lôi kéo cử tri truy cập vào các liên kết tin tức chính trị nhằm tác động đến khuynh hướng bỏ phiếu. Trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào năm 2018, Thượng viện Mỹ còn tổ chức một cuộc điều trần riêng, triệu tập và gây sức ép với 3 “gã khổng lồ” Google, Twitter và Facebook. Trong khi đó, để ngăn chặn việc tạo ra thông tin giả mạo và tin tức sai lệch giữa các chính đảng tham gia tranh cử, Chính phủ Thái Lan đã đi đầu trong việc triển khai hợp tác với các nền tảng truyền thông xã hội được ưa thích như TikTok, Facebook… để chống lại các yếu tố tiêu cực có thể xảy ra.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn tăng trưởng toàn cầu Frost & Sullivan, quy mô thị trường dữ liệu lớn (big data) toàn cầu trong năm 2022 đạt khoảng 71,8 tỷ USD và dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng bùng nổ kinh ngạc trong 10 năm tới. Cuộc cách mạng thuật toán đã tạo ra một “mỏ vàng số” truyền thông xã hội không đáy. Sự trỗi dậy phổ biến của truyền thông xã hội lại tạo ra một “quyền lực số”, và cuối cùng đã hình thành biến số hoàn toàn mới định hình lại cục diện chính trị ở nhiều nước.

Tin cùng chuyên mục