Bỏ tu chính án Byrd

Quyết định hợp thời của Quốc hội Mỹ

Quyết định hợp thời của Quốc hội Mỹ

Hạ viện Mỹ đã biểu quyết với tỷ lệ sít sao 217/215 hủy bỏ luật chống bán phá giá (còn có tên gọi là tu chính án Byrd - được đặt theo tên của người đề xướng là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Tây Virginia Robert Byrd). Luật Byrd cho phép Chính phủ liên bang Mỹ đơn phương áp đặt mức thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhập khẩu bị Mỹ cho là bán phá giá vào thị trường Mỹ để trợ cấp cho các công ty trong nước. Số tiền thuế thu được trước hết được Bộ Tài chính Mỹ tạm giữ. 
 

Quyết định hợp thời của Quốc hội Mỹ ảnh 1
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Tây Virginia Robert Byrd

Luật này năm 2002 đã bị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đánh giá là bất hợp pháp và bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích là bất công vì phục vụ cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lỗi thời của Mỹ. Đây cũng là cơ sở pháp lý để giới kinh doanh Mỹ tiến hành các vụ kiện các nước bán phá giá trên thị trường Mỹ từ các mặt hàng thép, hàng điện tử, đến các mặt hàng dệt may, nông phẩm…
 
Tại WTO, luật Byrd đã bị tất cả đối tác thương mại chính của Mỹ phản đối. Luật này còn là nguyên nhân gây các vụ tranh chấp thương mại hết sức phức tạp giữa Mỹ và các nước. Nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ gồm EU, Canada, Mexico, Nhật Bản đã ban hành mức thuế trả đũa luật Byrd đánh vào hàng xuất khẩu của Mỹ. Các vòng đàm phán về tự do hóa thương mại toàn cầu cũng bị ách tắc phần nào vì chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch Mỹ mà luật Byrd là một công cụ.
 
Nhiều nước đã hoan nghênh kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Canada Jim Peterson đã tuyên bố hài lòng trước việc Hạ viện Mỹ hủy bỏ luật Byrd và kêu gọi Thượng viện Mỹ cũng có hành động tương tự. Bước tiếp theo để quyết định việc tu chính án Byrd có hoàn toàn bị cho vào quá khứ hay không đang phụ thuộc vào cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện. Vẫn còn có một số thượng nghị sĩ ủng hộ đạo luật này, bảo vệ quyền lợi của một thiểu số nhà kinh doanh Mỹ và đi ngược với quyền lợi của số đông người tiêu dùng Mỹ.

Dư luận Mỹ và thế giới tiếp tục đấu tranh. Các nước bạn hàng của Mỹ đồng tình với Bộ trưởng Thương mại Canada Jim Peterson, đòi Thượng viện Mỹ nhận thức rằng việc hủy bỏ đạo luật này phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và tự do thương mại mà Mỹ là một trong những nước tích cực khởi xướng.

DÂN TRÍ

Tin cùng chuyên mục