Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại

Cùng với việc chuẩn bị hàng hoá, đảm bảo tốt cung - cầu những tháng cuối năm, các sở, ngành tại TPHCM cũng đã xây dựng xong kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các (doanh nghiệp) DN chân chính.
Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại

Cùng với việc chuẩn bị hàng hoá, đảm bảo tốt cung - cầu những tháng cuối năm, các sở, ngành tại TPHCM cũng đã xây dựng xong kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các (doanh nghiệp) DN chân chính.

Ký kết thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TPHCM.

Bài toán khó!

Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng, Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, TPHCM là nơi có mật độ dân số đông nhất nước, là đầu mối cung ứng lượng hàng hóa lớn cho các địa phương khác trong và ngoài nước, vì thế việc nhập lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến rất phức tạp. Việc vận chuyển, buôn bán thuốc lá ngoại, các mặt hàng quần áo, giày dép, điện, điện tử, điện lạnh, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, xăng dầu, xe máy, ô tô, máy móc thiết bị công nghiệp hóa chất nhập lậu vào TP từ nhiều hướng như đường bộ, đường thủy, đường hàng không… với những hình thức thủ đoạn, thời gian, địa bàn hoạt động và phương tiện vận chuyển ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng thi hành công vụ.

Nhìn nhận công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho rằng, nhìn chung người tiêu dùng khá yên tâm khi đến mua sắm tại các siêu thị, các trung tâm mua bán lớn có thương hiệu uy tín với các sản phẩm hàng hóa có địa chỉ sản xuất, ghi hạn sử dụng rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá cả niêm yết công khai. Nhưng bên cạnh đó, tại không ít các chợ truyền thống, các điểm mua bán nhỏ ở khu dân cư, vấn đề giá cả, chất lượng hàng hóa đang là nỗi lo của người tiêu dùng.

Không ít nơi, thông tin về hàng hóa là không rõ ràng, giá cả lại dao động thất thường như đánh đố người tiêu dùng, mà phần thiệt luôn thuộc về người mua. Trách nhiệm về thực trạng xảy ra tình hình trên có thể nhận thấy trước hết thuộc về ban quản lý các chợ truyền thống, mặc dù có ra thông báo nhắc nhở bà con tiểu thương chấp hành các quy định của nhà nước trên lĩnh vực kinh doanh như niêm yết giá cả, mua bán hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… nhưng lại thiếu kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hay vấn đề quan tâm hiện nay là tình trạng buôn bán thuốc lá lậu, từ biên giới và các tỉnh lân cận xâm nhập vào TP diễn ra công khai, giữa ban ngày như thách thức các ngành chức năng. Nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng các chất ma túy bằng nhiều con đường xâm nhập vào TP làm hư hỏng giới trẻ, từ đó làm mất an ninh trật tự địa phương.

Đặc biệt trong dịp Tết sắp đến nhu cầu tiêu dùng tăng, là thời điểm các hoạt động kinh doanh, gian lận thương mại, nạn đầu cơ có chiều hướng gia tăng mạnh sẽ là thách thức các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát QLTT.

Phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp

Để công tác phòng chống hàng gian, hàng giả đạt hiệu quả, ông Trần Tấn Ngời kiến nghị, đây là nhiệm vụ của toàn xã hội vì nếu chỉ dựa vào các lực lượng chức năng là không đủ vì thị trường TPHCM quá rộng lớn, trong khi lực lượng QLTT còn “mỏng”. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát của mặt trận, đoàn thể nhân dân tại các khu dân cư, nhằm phát hiện các điểm kinh doanh tàng trữ hàng nhập lậu, hàng cấm. Phát huy vai trò của tiểu thương trong việc định hướng người tiêu dùng mua sắm hàng Việt, không quá vì lợi nhuận đơn thuần mà có hành vi mua bán các sản phẩm hàng hóa không chính đáng. Các DN sản xuất trong nước cần tập trung hơn nữa cho việc quảng bá, tạo điều kiện thuận lơi đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng theo hướng chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, được người tiêu dùng chấp nhận...

Về phần mình, ông Nguyễn Văn Bách cho hay, QLTT sẽ triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để kiểm tra, giám sát thị trường cuối năm. Trong đó, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tại điểm chứa trữ, bến bãi, khu vực trung chuyển hàng hóa (cảng, ga hàng không, đường sắt, các tuyến đường sông...); các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và các khu vực mua bán hàng hóa phát sinh trong dịp lễ, tết. Trong quá trình kiểm tra không gây cản trở, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh, Sở Công thương đã chỉ đạo ngành QLTT TP đề ra kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường rất cụ thể, chi tiết, trong đó tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các địa phương trong và ngoài TP, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sự tham gia của các lực lượng, đoàn thể xã hội phát huy được vai trò tích cực của người dân trong việc tham gia tố giác tội phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần ổn định thị trường, nhất là các trường hợp sản xuất kinh doanh hàng gian hàng giả, bán hàng không niêm yết giá hay bán quá giá niêm yết, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các DN làm ăn chân chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, văn minh, chống thất thu thuế, qua đó ổn định trật tự và lành mạnh hóa thị trường sản xuất, kinh doanh.

Nội dung  và các mặt hàng kiểm tra

Theo Chi cục QLTT TPHCM, trong kế hoạch kiểm tra thị trường Tết Ất Mùi 2015, các lực lượng chức năng sẽ tập trung các nội dung sau: kiểm tra hành vi vận chuyển, chứa trữ và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu đối với các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng. Về thuốc lá điếu nhập lậu, tiếp tục kiểm tra việc vận chuyển trên các tuyến đường, tỉnh lộ, quốc lộ, tuyến đường thủy nối liền với Long An, Tây Ninh. Kiểm tra việc buôn bán thuốc lá tại các cửa hàng, tủ thuốc trên đường phố, khu dân cư; Kiểm tra hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, các hành vi vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa quá hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết như: Bánh mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát, lương thực, thực phẩm đông lạnh, bột ngọt, mỹ phẩm…

Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm gây bất ổn định thị trường để đẩy giá bán hàng lên cao. Kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa, đo lường đối với hàng hóa đóng gói sẵn; kiểm tra việc cân, đong hàng hóa của các tiểu thương trong khu vực các chợ nhằm chống cân thiếu hụt hàng hóa cho khách hàng…

Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại ảnh 2

Quản lý thị trường kiểm tra xuất xứ vải bán trên thị trường quận Tân Bình. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Bên cạnh đó, QLTT cũng tăng cường kiểm tra các mặt hàng cấm kinh doanh gồm có pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội, đèn trời và các mặt hàng khác thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Chất tạo nạc cấm dùng trong chăn nuôi heo. Các nhóm hàng thuộc chương trình bình ổn giá của thành phố (lương thực, thực phẩm, dược phẩm, dụng cụ học sinh mùa khai giảng)...

Trong 11 tháng năm 2014, các lực lượng chức năng của TP đã phát hiện hơn 51.000 vụ vi phạm, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước, đã xử phạt nộp vào ngân sách gần 3,8 nghìn tỷ đồng, khởi tố 121 vụ, 114 đối tượng. Riêng lực lượng QLTT TP đã tiến hành kiểm tra 17.497 vụ, phát hiện 11.233 vụ vi phạm, tăng 16,66% so với cùng kỳ năm 2013, xử phạt thu nộp ngân sách gần 84 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 10 tỷ đồng và hàng tịch thu chờ bán hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT TP đã tăng cường kiểm tra liên ngành trên 10.000 vụ, tăng 18,05% so với cùng kỳ 2013.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục