Quyết liệt chống hạn, mặn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của El Nino nên hạn hán đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Những tháng đầu năm, nắng nóng kéo dài, hạn hán trên diện rộng, nhiệt độ luôn ở mức cao.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của El Nino nên hạn hán đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Những tháng đầu năm, nắng nóng kéo dài, hạn hán trên diện rộng, nhiệt độ luôn ở mức cao.

Thống kê cho thấy, tổng lượng mưa 10 tháng đầu năm 2015 ở hầu hết các khu vực trên cả nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20% - 60%; từ đó dẫn tới nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ vô cùng gay gắt.

Tại vùng ĐBSCL, đã 4 năm liên tiếp nước lũ không về, kéo theo nhiều mối lo ngại. Mùa lũ ở ĐBSCL, ngoài chuyện đem lại nguồn lợi thủy sản to lớn, còn mang theo lượng phù sa để bồi bổ cho đồng ruộng, tháo chua rửa phèn, đẩy ra ngoài những dư lượng thuốc trừ sâu... Mặt khác, nước lũ còn ngăn nước mặn tràn vào đất liền khi tới mùa khô. Nhưng mấy năm liền “không lũ” nên nông dân ĐBSCL nói chung và nhất là nông dân các vùng ven biển nói riêng canh cánh nỗi lo bị xâm mặn.

Dù hiện tại vẫn còn những cơn mưa cuối mùa, nhưng tình hình thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện một số nơi ở ĐBSCL. Theo thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, trong những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2015, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha lúa trồng trên đất nuôi tôm bị thiệt hại trắng do khô hạn và nước mặn xâm nhập. Hiện ngành nông nghiệp đang đóng các cống ngăn mặn dọc tuyến kênh Quản lộ - Phụng Hiệp để bảo vệ khoảng 8.000ha lúa còn lại trên đất nuôi tôm (lúa - tôm). Trước đó, khoảng 2.000ha lúa ở các huyện Hòn Đất, Châu Thành, Giang Thành (Kiên Giang) cũng bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn bao vây…

Để giảm thiểu thiệt hại, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo các tỉnh ĐBSCL chủ động xuống giống sớm hơn 1,56 triệu héc ta vụ đông xuân 2015-2016; cố gắng kết thúc vụ khoảng giữa tháng 1-2016. Lưu ý nông dân sử dụng các giống lúa phù hợp trong điều kiện hạn mặn hiện nay. Theo đó, vùng nước ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu nên ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm; vùng Tây sông Hậu và tứ giác Long Xuyên sử dụng giống lúa có khả năng thâm canh cao, chất lượng tốt; vùng Đồng Tháp Mười và ven biển dùng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn… Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các địa phương chủ động phương án phòng chống hạn mặn, khẩn trương nạo vét thủy lợi nội đồng, tích trữ nước ngọt để cung ứng kịp thời cho sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về hạn mặn để cùng với chính quyền, ngành nông nghiệp… phòng chống. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, lưu ý: “Đông xuân là vụ mùa chủ lực trong năm, bởi năng suất cao và chất lượng hạt gạo tốt. Vụ đông xuân không chỉ giúp nông dân có thu nhập cao, mà còn đóng góp vai trò quan trọng cho việc xuất khẩu gạo trong năm. Vì vậy, ngay từ bây giờ việc triển khai các phương án chống hạn hán và xâm nhập mặn cần làm ngay, nhằm đảm bảo vụ mùa thắng lợi”.

Đối với các vùng ven biển ở Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau và các xã đảo của Kiên Giang đang canh cánh nỗi lo về thiếu nước sinh hoạt. Những lúc cao điểm ở các vùng này, giá nước sinh hoạt lên tới 60.000 - 80.000 đồng/m3, nhưng có lúc vẫn thiếu nước cung cấp. Ông Lê Vũ Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre), lo lắng: “Nếu như hàng năm gần đến Tết Nguyên đán là cả chục ngàn nhân khẩu trong xã rơi vào cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt. Năm nay, dự báo chuyện thiếu nước sinh hoạt xảy ra sớm hơn. Do đó, xã đang tích cực cùng người dân triển khai các biện pháp tích trữ nước ngọt từ các hồ chứa, nước mưa… càng nhiều càng tốt, nhằm kéo dài thời gian sử dụng. Về lâu dài, kiến nghị cấp trên xây dựng nhà máy nước giúp bà con bớt lo cảnh thiếu nước ngọt gay gắt vào mùa khô”. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã giao Sở KH-ĐT tỉnh này nhanh chóng tìm nguồn vốn khoảng 50 tỷ đồng để đầu tư dự án kết nối đường ống BOO Đồng Tâm hiện hữu, đưa nước ngọt sang huyện cù lao Tân Phú Đông, bởi hàng năm cứ đến mùa khô là trên 40.000 nhân khẩu của huyện bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Theo dự kiến, đầu năm 2016 sẽ khởi công dự án và hoàn thành sau 6 tháng thi công. Trường hợp dự án chưa kịp hoàn thành, tỉnh Tiền Giang sẽ chuẩn bị thêm phương án chở nước ngọt bằng xà lan từ Mỹ Tho sang cung cấp miễn phí cho người dân huyện Tân Phú Đông vào thời điểm xảy ra thiếu nước gay gắt.

NGỌC DÂN

Tin cùng chuyên mục