Quyết liệt gỡ thẻ vàng cho thủy sản xuất khẩu

Trước những hậu quả nặng nề do “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với mặt hàng xuất khẩu thủy sản, thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực hiện Luật Thủy sản 2017 về truy xuất nguồn gốc hải sản, đặc biệt là việc quản lý tàu thuyền nhằm ngăn chặn đánh bắt trái phép. 
Thủy sản tại cảng Cát Lở (phường 11, TP Vũng Tàu) ​
Thủy sản tại cảng Cát Lở (phường 11, TP Vũng Tàu) ​

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương ven biển đang có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Xử lý nhiều tàu cá vi phạm

Từ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp mạnh để thực hiện các khuyến nghị của EC. Tỉnh ban hành riêng một nghị quyết về thực hiện các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép và tăng cường tuần tra, xử lý tàu cá vi phạm.

Qua hơn 60 đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 323 phương tiện vi phạm và xử phạt với tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng kèm theo nhiều hình phạt bổ sung như: tịch thu thủy sản khai thác, ngư cụ, tước bằng, chứng chỉ của thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản. Tỉnh cũng đã thành lập 6 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá.

Bước đầu, các cảng đã chấp hành thực hiện các quy định về công tác kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng, việc ghi chép sổ sách, biểu mẫu, hồ sơ giấy tờ liên quan, thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy hải sản theo quy định. Việc ghi, nộp nhật ký khai thác, thu mua chuyển tải của chủ tàu, thuyền trưởng có chuyển biến tốt; chủ tàu cá, ngư dân đã chấp hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

Ông Huỳnh Văn Phúc, chủ cặp tàu lưới kéo công suất 480CV ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, cho biết, qua những vụ tàu cá của mình bị nước ngoài tiêu hủy, thuyền viên bị bắt giữ, về nước lại còn bị xử phạt rất nặng, khiến nhiều chủ tàu từ bỏ ý định đưa tàu đi đánh trộm. Ông Phúc cũng kiến nghị, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ thêm cho những tàu chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đánh bắt thủy hải sản để phần nào giúp bà con yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền.

Đưa Luật Thủy sản vào cuộc sống

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết, Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực từ 1-7, đã phát huy hiệu quả ban đầu trong việc ngăn ngừa, phòng chống những vi phạm về đánh bắt thủy sản. Trong đó, mức phạt lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức, tước bỏ các ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân, là một trong những điểm mấu chốt khiến ngư dân chùn tay trong việc mang tàu xâm phạm vùng biển nước bạn. Hiện Luật Thủy sản mới cũng quy định cụ thể đối tượng bị xử phạt chính là chủ tàu, tránh đổ trách nhiệm giữa chủ tàu và thuyền trưởng như trước đây.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện liên tục 42 lớp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và 2 hội thảo về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho cán bộ thủy sản, doanh nghiệp và bà con ngư dân. In ấn hơn 10.000 sổ nhật ký cho từng loại nghề khai thác; cấp phát hơn 10.000 tờ rơi cho các chủ tàu, thuyền trưởng; tổ chức cho ngư dân ký 6.000 bản cam kết không đưa tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp. Toàn bộ ngư dân đều được mời nghe phổ biến Luật Thủy sản và những khuyến nghị IUU.

“Nếu vắng mặt thì phải có xác nhận lý do, nếu ủy quyền phải có chứng nhận của cấp phường xã. Trong trường hợp ngư dân cố tình không đến, sẽ kiến nghị xem xét cả trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi ngư dân cư trú”, ông Lê Văn Tòng nói.

Do là địa bàn có nhiều lực lượng vũ trang liên quan đến biển đảo đóng chân như: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng nên công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật chống đánh bắt trái phép cũng được lồng ghép thực hiện liên tục, xuyên suốt.

Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết, hiện bộ đang tích cực cùng các địa phương xây dựng kế hoạch hoàn thiện công tác quản lý, thiết chế cơ sở hạ tầng nghề cá và đồng bộ các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản 2017.

Hà Tĩnh yêu cầu khẩn trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Ngày 12-10, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển khẩn trương chỉ đạo đến các chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp đặt hoàn thành trước 25-10-2019; tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải lắp đặt hoàn thành trước 1-1-2020.

Đến đầu tháng 11-2019, đoàn kiểm tra của EC sẽ kiểm tra việc triển khai các khuyến nghị về cảnh báo thẻ vàng trong khai thác hải sản bất hợp pháp, nếu địa phương nào có tàu cá chiều dài từ 24m trở lên chưa lắp đặt thiết bị GSHT thì chủ tịch UBND huyện, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh. Giao giám đốc sở NN-PTNT, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện và có các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá không chấp hành việc lắp đặt thiết bị GSHT theo đúng quy định của pháp luật.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục