Dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIII, Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân:
(SGGPO).- Ngày 28-10, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Đại hội lần thứ XIII. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam dự chỉ đạo Đại hội.
5 năm qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đạt bình quân 9,39%/năm, bằng hơn 1,5 lần tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước. Thu ngân sách của năm 2015 đạt 1.880 tỷ đồng, vượt 47% kế hoạch. Lao động qua đào tạo tăng từ 30-51%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24% xuống còn 9,2%. Đáng chú ý, hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, đô thị và công nghiệp được nâng cấp, tạo nền tảng và bộ mặt mới cho tỉnh Sóc Trăng phát triển. Quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Hiện Sóc Trăng vẫn là một tỉnh nghèo, sản phẩm nội địa đầu người đạt 1.800 USD, bằng 82% bình quân cả nước. Giai đoạn 2016-2020, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội
Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu câu hỏi: Vấn đề kinh tế lớn nhất của Sóc Trăng là gì? Có thể là năng suất lao động còn thấp, vì vậy mức sống còn thấp. “Muốn nâng cao mức sống, muốn phát triển kinh tế xã hội phải không ngừng nâng cao năng suất lao động. Năng suất lao động là số lượng sản phẩm vật chất và giá trị gia tăng mà một lao động tạo ra trong một giờ làm việc hoặc trên 1ha đất sau 1 vụ thu hoạch. Thế nhưng, báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh không có số liệu về năng suất lao động của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và cũng không có chỉ tiêu tăng năng suất lao động 2015-2020”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn chỉ ra và cho rằng, nên bổ sung chỉ tiêu năng suất lao động và giám sát năng suất nông nghiệp trong 5 năm tới.
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, Sóc Trăng cần phải tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Bởi hiện nay, hơn 60% dân số Sóc Trăng sống bằng nghề nông, nhưng thu nhập của nông dân chỉ bằng hơn 2/3 thu nhập của người làm công nghiệp và hơn 1/3 thu nhập của người làm dịch vụ. Mà muốn tăng cao hơn năng suất lao động, cải thiện cuộc sống của người dân thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp của mô hình tăng trưởng mới. Cụ thể, phải xác định các cây, con chủ lực của tỉnh Sóc Trăng và với mỗi cây, con chủ lực cần vận động và hỗ trợ nông dân quyết liệt hiện đại hóa quá trình sản xuất nông nghiệp.
“Những người nông dân sản xuất giỏi và con em nông dân tốt nghiệp ĐH-CĐ, trung cấp về kỹ thuật nông nghiệp, kinh tế là nòng cốt để thành lập HTX tốt nhất. Phổ biến nhanh các mô hình HTX kiểu mới trong trồng lúa, rau, chăn nuôi bò sữa, nuôi tôm; có kế chính sách để tăng số hộ nông dân tham gia HTX ở mức 30% lên trên 50% và cao hơn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý. Nhất là trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ hiện nay, cần sớm hình thành các HTX mạnh trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, sản xuất có thương hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm để tăng sức cạnh tranh.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, để làm giàu bằng nông nghiệp, một trong vấn đề sống còn là thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Thực hiện “4 sẵn sàng” đối với doanh nghiệp về: quy hoạch và khu công nghiệp cho doanh nghiệp; cung cấp nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp để được hưởng đầy đủ các chính sách và kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm hiện đại hóa sản xuất; lắng nghe và đối thoại với doanh nghiệp.
Đặc biệt, Sóc Trăng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Kh’Mer. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và phát huy cán bộ người dân tộc..
PHAN THẢO - CAO PHONG