(SGGPO). – Trong 2 ngày 30,31-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Cuối giờ chiều nay, 31-7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.
Thông tin tại phiên họp báo cho hay, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa diễn ra, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012, các thành viên Chính phủ đã nhận định, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho họat động sản xuất kinh doanh của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã dần phát huy tác dụng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 7, xuất siêu 100 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khá cao, 62,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm 2012: tháng 7 giảm âm 0,29% so với tháng trước, đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp giảm (tháng 6 giảm âm 0,26%).
Cũng theo Văn phòng Chính phủ, từ đầu năm đến 20-7-2012, cả nước có gần 40.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 247.200 tỷ đồng, giảm gần 13% về số DN và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Đồng thời, có trên 30.300 DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng họat động trong 7 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy vậy, Chính phủ cũng nhận định, tuy kinh tế- xã hội đạt được những kết quả toàn diện nhưng tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng chỉ bằng khoảng 54,5% mức tăng của cùng kỳ năm 2011. CPI đã giảm liên tiếp 2 tháng. Tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp, trong đó dư nợ tín dụng với VNĐ chỉ tăng dương 0,93%.
Tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại chưa được giải quyết triệt để và số dư nợ xấu có xu hướng tăng theo thời gian. Nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm 2012 nhập siêu 58 triệu USD). Điều này phản ánh sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn còn chậm.
Trước tình hình trên, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Đặc biệt, cần quyết liệt hơn nữa để cùng DN xử lý 2 điểm nghẽn là hàng tồn kho và nợ xấu. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại; khẩn trương xử lý các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa hệ thống...
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về Nghị định phân công , phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và cốn Nhà nước đầu tư vào DN.
PHAN THẢO