Quyết tâm cai thuốc quyết định hiệu quả điều trị

Bỏ thuốc cần quyết tâm cao
Quyết tâm cai thuốc quyết định hiệu quả điều trị

Hiểm họa từ thuốc lá chắc hẳn những người hút thuốc đều biết. Tuy nhiên, người không hút thuốc nhưng thường xuyên phải hít khói thuốc cũng đối mặt những bệnh lý nguy hiểm không kém. Để hiểu rõ hơn những tác hại của hút thuốc và cách cai thuốc hiệu quả, SGGP thứ bảy đã có cuộc trao đổi với BS Nguyễn Thanh Vân Tuyên (ảnh), Chuyên Khoa Lao và Bệnh viêm phổi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM.

Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất, trong đó có hơn 250 hóa chất có hại cho sức khỏe và hơn 50 chất gây ung thư. Người hút thuốc có nguy cơ mắc những bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi và ung thư... Nghiêm trọng nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do thuốc lá. Mỗi năm số người mắc bệnh liên quan thuốc lá tăng 10-20%! Trong số người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, có 90% là do thuốc lá, nguyên nhân còn lại do khói bụi, môi trường ô nhiễm…

- Thưa BS, đối với những người hút thuốc lá, tác hại của nó đã quá rõ ràng, vậy những người hút thụ động và trẻ em trong bụng mẹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi người mẹ hút thuốc?

- Điều nghịch lý là người hút thuốc lá thụ động lại bị nhiễm độc nguy hiểm gấp nhiều lần người hút trực tiếp! Nguyên nhân do khói thuốc tỏa ra từ điếu thuốc cháy trọn vẹn nên tỏa khí độc nhiều hơn. Vì thế,  mới có quy định nghiêm cấm hút thuốc nơi công cộng, nơi đông người, đặc biệt là không nên hút trước phụ nữ đang mang thai và trẻ em.

Các bà mẹ đang mang thai thường xuyên hút thuốc rất có hại cho thai nhi. Thai có nguy cơ dị tật, không phát triển tốt, dễ bị sảy thai vì người mẹ mang thai hút thuốc sẽ khiến lượng ôxy trong thai giảm, dẫn đến tình trạng thiếu ôxy… Trẻ em hít khói thuốc lá thường xuyên cũng sẽ ảnh hưởng sự phát triển trí não, thể chất, đồng thời dễ mắc các bệnh đường hô hấp, viêm tai giữa…

- Đối với người hút thuốc, việc cai thuốc khó như… “lên trời”! Theo BS, có những loại thuốc gì hỗ trợ tích cực cho người cai nghiện thuốc lá?

- Những người nghiện nặng thường có những cơn nghiện thiếu thuốc (hội chứng thiếu thuốc) gây bứt rứt, nóng nảy, khó chịu… Hiện tại, trên thị trường có nhiều loại thuốc uống (vareniciline), miếng dán nicotine, nicotine dạng kẹo nhai… giúp cai nghiện thuốc lá. Người cai nghiện phải điều trị với thuốc tối thiểu 12 tuần mới giúp hạn chế được cơn thèm thuốc. Tuy nhiên, chi phí cho loại thuốc này khá cao, thời gian điều trị khá dài nên nhiều người không kiên trì, có người cai được một tuần rồi bỏ luôn không đến bệnh viện điều trị.

- Theo BS, cách bỏ thuốc lá như thế nào sẽ có hiệu quả?

 - Quyết tâm của người cai nghiện sẽ quyết định thành công cho quá trình điều trị. Người có quyết tâm, ý chí cai nghiện, tự thân vận động mới cai được. Nếu ỷ lại các loại thuốc thì rất khó bỏ hoặc bỏ được một thời gian nhưng chỉ cần gặp lại môi trường quen thuộc có nhiều người hút thuốc, người này mời, người kia hút, nếu không kiềm chế được sẽ rất dễ tái nghiện. Tùy từng trường hợp, trong quá trình tư vấn, bác sĩ sẽ nói rõ những tác hại của thuốc lá và những lợi ích của việc bỏ thuốc lá để giúp người nghiện thêm ý chí cai thuốc. Trong thời gian khoảng 2 năm, nếu người nghiện quyết tâm, họ có thể hoàn toàn bỏ được thuốc lá. Người cai nghiện nên tự cách ly, hạn chế tiếp xúc môi trường có người hút thuốc lá. Người cai nghiện có thể giảm dần số điếu thuốc hút mỗi ngày, chỉ khi thật sự thèm thuốc mới hút.

Bỏ được thuốc lá hay không chủ yếu do quyết tâm. Do vậy, nên cố gắng bỏ dần những thói quen khiến dễ gợi nhớ thuốc lá như đi ăn nhậu, đi cà phê với những người bạn hút thuốc. Chơi thể thao, cầu lông, bóng đá, bóng bàn… để quên thèm thuốc.

Thiên Trang - Võ Thắm ghi

Anh Khanh Tước 27 tuổi, quận Gò Vấp, TPHCM: Bỏ thuốc cần quyết tâm cao

Tôi hút thuốc lá từ năm học lớp 10. Đến nay, điếu thuốc đã theo tôi được 9 năm. Nơi tôi làm việc, ai cũng hút. Từ việc gặp gỡ khách hàng, đồng nghiệp trò chuyện với nhau hoặc gặp sếp thì việc đầu tiên là mời nhau điếu thuốc. Hút thuốc dường như trở thành một thói quen không thể thiếu, một ngày tôi có thể hút hết cả bao thuốc. Mỗi khi bị stress  hoặc căng thẳng trong công việc, gia đình, tình cảm, thuốc lá lại trở thành “cứu cánh” để tôi giải tỏa áp lực.

Tuy nhiên, tác hại của thuốc lá khiến tôi bắt đầu… run sợ! Tôi có những biểu hiện sụt cân, mệt mỏi, hôi miệng, răng ố vàng và hay buồn nôn bất chợt.  Lúc này, gia đình và người thân khuyên tôi nên bỏ thuốc. Tôi cũng cố gắng thực hiện nhưng thực sự không dễ chút nào. Tuần đầu tiên, tôi còn bỏ được, nhưng bước sang tuần thứ hai, “mèo lại hoàn mèo”! Một phần do môi trường làm việc, một phần do tôi nhớ thuốc lá không chịu nổi. Có lần, mẹ tôi đem về một chai thuốc súc miệng giúp cai thuốc lá. Thuốc có mùi quế rất thơm, giúp tôi ăn uống ngon miệng hơn. Khi tôi hút một điếu thuốc thì có cảm giác mùi vị như vừa mới nôn ra, thế là tôi quăng điếu thuốc đó ngay. Nhưng ngày nào tôi quên súc miệng bằng thuốc này thì cơn thèm thuốc lá xuất hiện. Tôi nghĩ loại thuốc súc miệng đó chỉ là một loại thuốc trợ giúp trong một thời gian nhất định, chứ không giúp tôi cai nghiện thuốc lá hoàn toàn.

Khi nhận thấy tình trạng sức khỏe ngày càng đi xuống, tôi quyết tâm hơn trong việc cai thuốc lá. Tôi giảm số lượng thuốc hút từ từ cho đến khi một ngày chỉ hút một điếu. Để quên việc hút thuốc lá, tôi cố gắng tập vận động nhiều hơn, thư giãn bằng cách chơi game, nghe nhạc. Những lúc rảnh rỗi, hoặc những khi buồn miệng, để không nhớ đến thuốc lá tôi hay tìm đồ ăn vặt. Việc đó dần giúp tôi từ bỏ hẳn thói quen hút thuốc.

Thủy Ngân ghi

Ông Trần Hiển 43 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM: Cai thuốc thật khó

Tôi hút thuốc từ năm 17 tuổi, đến nay đã hơn 20 năm. Tôi ý thức được những tác hại do thuốc lá gây ra nhưng thú thật đến giờ tôi cảm thấy bất lực với việc cai thuốc lá. Mới đây, tôi bị ho rất nhiều sau khi thăm khám và được bác sĩ kết luận là lao phổi giai đoạn 2! Thật sự tôi rất sốc và đau đớn nên quyết tâm bỏ thuốc ngay lập tức và không bao giờ bén mảng đến nó. Thế nhưng chưa đầy vài tiếng đồng hồ thì cơn thèm thuốc đã khiến tôi không tự chủ được. Chứng nào tật nấy, tôi lại hút thuốc. Hút riết thành nghiện, thiếu thuốc lá người tôi có cảm giác bứt rứt, thiếu tập trung, tâm trạng căng thẳng và cáu kỉnh, từ đó gây khó ngủ. Bệnh lao phổi của tôi được bác sĩ khuyến cáo cấm tuyệt đối thuốc lá nhưng tôi không thể thắng được. Thật sự, tôi thấy khâm phục những người cai thuốc lá thành công. Nhiều người vẫn nói “bỏ vợ thì dễ nhưng bỏ thuốc thì khó” và tôi đang thấy điều đó đúng với bản thân mình.

Hoàng Tuấn ghi

Chị Dương Châu Khanh 32 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM: Cai nghiện thuốc lá cũng phải có… chiêu trò

Chồng tôi có thói quen hút thuốc lá đã 17 năm. Thực sự tôi rất chán nản với thói quen xấu của chồng, một phần lo ảnh hưởng sức khỏe của anh, một phần sợ tôi và con phải hút thuốc thụ động. Tôi đã thử rất nhiều cách, từ mua kẹo cao su để chồng nhai đến sử dụng nước súc miệng cai thuốc, nhưng vẫn không thay đổi được tình hình. Mỗi lần hút thuốc xong, anh lại ôm con hôn tới tấp. Nhiều khi tôi muốn anh tránh xa con sau khi hút thuốc nhưng lại sợ anh buồn.

Con gái tôi được 6 tuổi, cháu dần hiểu biết tác hại của khói thuốc nên mỗi lần bố hút thuốc, bé đều đẩy bố ra và nói: “Miệng bố hôi quá”. Tôi biết anh thương con, nên kêu bé mở những clip, hình ảnh về tác hại của thuốc lá được chia sẻ trên mạng để bố con cùng xem. Mặt khác, mỗi lần vợ chồng tôi đi khám bệnh tổng quát, tôi đều “bỏ nhỏ” với bác sĩ quen trước, nhờ bác sĩ chụp hình phổi và “hù” chồng tôi vài tiếng cho anh sợ, để anh bỏ thuốc. Lúc đầu, chồng tôi vẫn lén hút vì thèm thuốc, tôi không bắt anh bỏ ngay mà bảo anh nên bỏ từ từ, mỗi ngày giảm một ít. Thay vì hút thuốc, lúc rảnh rỗi anh có thể chơi với con hoặc đi tập thể dục. Từ khi bỏ thuốc lá, chồng tôi ăn uống ngon miệng hơn, tăng cân, bớt mệt mỏi hơn.

Thủy Ngân ghi

Tin cùng chuyên mục