Ngày 4-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo các biện pháp khẩn trương đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước.
- 4.005 người đã về Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân, tính đến hết ngày 3-3-2011, đã có gần 10.000 lao động Việt Nam sơ tán khỏi Libya sang Ai Cập, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Malta… Trong số đó, có gần 5.500 lao động đã và đang được đưa về Việt Nam. Số còn lại ở các nước thứ 3 bao gồm 1.600 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, 1.500 người ở Tunisia, 300 người ở Malta, 292 người ở Algeria, 200 người ở Ai Cập, 160 người ở Hy Lạp và 139 người ở Síp. Hiện, tất cả số lao động đang ở Ai Cập, Hy Lạp, Malta, Síp và khoảng 1.000 lao động tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được đặt vé máy bay để về Việt Nam.
Đến nay vẫn còn 289 người vẫn đang ở trong nội địa của Libya và ta vẫn giữ liên lạc thường xuyên với số lao động này. Bộ LĐ-TB và XH đã làm việc với Văn phòng Đại diện Nhà nước Libya tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ số lao động này về nước trong thời gian sớm nhất. Bà Ngân cho biết, phía Libya cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tất cả lao động Việt Nam rời khỏi Libya trong vài ngày tới.
Với sự nỗ lực của Cục Quản lý lao động ngoài nước và các doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Đại sứ quán Việt Nam tại các nước có lao động ta di tản sang và các cơ quan liên quan, trong sáng và trưa hôm qua, 4-3, đã có thêm hơn 1.000 lao động về nước, chủ yếu về từ Malta và Tunisia, nâng tổng số lao động Việt Nam tại Libya về nước đến thời điểm 13 giờ ngày 4-3 lên 4.005 người. Đây là chiến dịch giải cứu công dân lớn nhất của nước ta từ trước tới nay. Điều đáng mừng là đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào về trường hợp công dân nước ta bị thương vong do sự mất ổn định về chính trị và xã hội ở Libya.
- Chính phủ đồng ý chủ trương hỗ trợ lao động tại Libya
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của Ban chỉ đạo, các bộ, ngành chức năng chức năng đã bám sát 2 yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là bằng mọi biện pháp đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người lao động Việt Nam tại Libya và khẩn trương đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tình hình Libya vẫn đang diễn biến phức tạp, vì vậy cần tiếp tục khẩn trương, quyết liệt thực hiện các công việc này. Thủ tướng lưu ý, bên cạnh sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, chúng ta phải sử dụng sức mạnh nội lực là chính. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Libya và các tổ chức quốc tế khẩn trương sơ tán số lao động Việt Nam còn lại hiện đang mắc kẹt tại Libya sang nước thứ 3. Đồng thời, lên kế hoạch cụ thể, nhanh chóng đưa số lao động đã rời khỏi Libya về nước bằng mọi phương tiện, như tiếp tục cử chuyên cơ của Hàng không Việt Nam, thuê máy bay của các hãng hàng không nước ngoài, vận động đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế mua vé máy bay cho người lao động về nước…
Tại cuộc họp này, Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH về chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động từ Libya về nước, đặc biệt đối với số lao động ở các huyện nghèo và số lao động mới sang Libya dưới 1 năm. Hiện nay, bộ này đang rà soát danh sách lao động, phân loại lao động để tham mưu những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất.
Bộ LĐ-TB và XH cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp ưu tiên chuyển thị trường cho những lao động có nguyện vọng. Trong năm 2011, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ theo hướng ưu tiên cho lao động từ Libya trở về. Lao động sẽ được khoanh nợ ngân hàng khoản vay đi Libya, đồng thời được tạo điều kiện vay để chuyển sang thị trường mới
PHAN THẢO
| |
| |