Đại sứ của Hàn Quốc tại LHQ Kim Sook ngày 5 - 2 cho biết vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là điều khó tránh khỏi. Theo ông Kim Sook, có những “hoạt động rất tấp nập” diễn ra tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên và mọi con mắt đang đổ dồn về đây.
HĐBA LHQ lúng túng
Phát biểu của ông Kim được đưa ra tại một cuộc họp báo cho rằng trong trường hợp xảy ra vụ thử hạt nhân, ông hy vọng HĐBA LHQ sẽ ra các biện pháp mạnh và cứng rắn hơn. Vụ thử hạt nhân đã được Bình Nhưỡng thông báo hồi tháng trước nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ sau khi nước này phóng vệ tinh vào tháng 12-2012. Mỹ và nhiều nước cho rằng đây là một thử nghiệm trá hình của công nghệ tên lửa vốn đã bị LHQ cấm.
Hàn Quốc tham gia HĐBA vào tháng 1-2013 và giữ chức chủ tịch luân phiên trong tháng này. Ông Kim cho biết ông phát biểu như trên với tư cách là Đại sứ của Hàn Quốc tại LHQ chứ không phải là Chủ tịch HĐBA LHQ. Ông cho biết trong cuộc đàm phán về dự thảo nghị quyết trừng phạt mới nhất với Triều Tiên, tất cả 15 thành viên hội đồng, bao gồm cả Trung Quốc, đều thống nhất. “Họ rất vững vàng và kiên quyết, tôi mong chờ các biện pháp rất mạnh mẽ để có thể ngăn chặn các hành động khiêu khích tiếp theo của Bình Nhưỡng” - ông Kim nói. Hai vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên trong năm 2006 và 2009 đều diễn ra sau khi bị LHQ lên án vì thử nghiệm tên lửa.
Dự thảo lệnh trừng phạt mới nhất, một lần nữa yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và ngừng các vụ phóng tên lửa kèm theo các biện pháp trừng phạt các công ty và các cơ quan Chính phủ Triều Tiên, bao gồm cả cơ quan không gian và một vài cá nhân.
Thất bại ngoại giao của Mỹ
Tại một diễn đàn an ninh tại Seoul do hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) và Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương (APARC) của Đại học Stanford (Mỹ) tổ chức, các đại biểu đã đồng ý rằng chính sách ngoại giao mềm mỏng đã khuyến khích Triều Tiên cải thiện năng lực hạt nhân của mình mà bằng chứng là vụ thử hạt nhân thứ 3 sắp diễn ra.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry nói tại diễn đàn rằng Triều Tiên ngày hôm nay so với 13 năm trước là thất bại ngoại giao lớn nhất trong lịch sử của Mỹ. Theo ông Perry, ngoại giao với Triều Tiên đã cho phép Bình Nhưỡng “xây dựng một kho vũ khí hạt nhân nhỏ, tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân khác”. “Họ đã xây dựng ít nhất 2 cơ sở làm giàu uranium, có thể sử dụng các uranium đã làm giàu để tăng cường kho vũ khí hạt nhân của họ”. Ông kết luận: “Chúng ta không nên tiếp tục cùng một chiến lược ngoại giao như vậy”.
Siegfried Hecker, nhà khoa học hạt nhân tại Đại học Stanford, người đã có mặt tại một cơ sở làm giàu uranium của Triều Tiên trong chuyến thăm tới nước này vào cuối năm 2010, cũng có cùng nhận định nhưng cho rằng mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Hecker cho rằng chính sách của Mỹ và Hàn Quốc kể từ năm 2002 nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã thất bại, nhất là trong việc ngăn chặn nỗ lực của Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân. Theo ông, vẫn chưa muộn để có một chính sách mới đủ mạnh nhằm chặn đứng chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Nhiều nhà phân tích nghi ngờ về cái gọi là “chiến lược kiên nhẫn” của Washington đối với Triều Tiên, một chính sách từng ngăn chặn đàm phán trực tiếp giữa Washington và Triều Tiên. Các cuộc đàm phán 6 bên (2 miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản) đã không mang lại kết quả nào từ năm 2009.
| |
Khánh Minh tổng hợp