Quýt đường cho vị đắng


Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 9 đến tháng 10 âm lịch thì nhà vườn trồng quýt ở Bình Phước lại rộn ràng vào thu hoạch. Nhưng mùa năm nay, giá quýt “chạm đáy” khiến các nhà vườn không mặn thu hái kéo theo thương lái cũng vắng bóng. 
Cây quýt đường được trồng nhiều ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài
Cây quýt đường được trồng nhiều ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài

Xã Tân Thành (thị xã Đồng Xoài) được coi là “thủ phủ” quýt đường của tỉnh Bình Phước. Khác với các vựa quýt ở miền Tây Nam bộ, các vườn quýt trong vùng không tập trung thành khu vực rộng lớn mà thường nằm rải rác. Nhưng cũng không khó bắt gặp các khu vườn liền kề kết thành vệt màu xanh rộng lớn. Kế bên những cây quýt già cỗi là những vườn quýt mới trồng với trái to, đẹp, màu vàng đỏ và căng bóng, mùi hương thoang thoảng bay khắp các khu vườn. 

Vườn quýt 1,5ha của gia đình ông Lương Minh Tờ (ấp 8, xã Tân Thành) nằm lọt thỏm giữa những tán cao su và vạt điều xanh tốt. Trong vườn, trái xum xuê và trĩu nặng. Tận tay lựa những trái chín mọng mời khách, ông Tờ cho biết, 10 năm trước, gia đình cắt bỏ cao su để trồng quýt và hàng năm, quýt cho trái ngọt với vài trăm triệu đồng mỗi vụ. Kết thúc mùa quýt năm trước, gia đình bỏ gần 200 triệu đồng/ha chi phí cho nhiều công đoạn chăm sóc cùng hy vọng về một vụ mùa thắng lợi. “Giữa mùa quýt rộ nhưng gia đình không muốn bán vì giá xuống thấp. So với vụ trước, giá chỉ còn một nửa; các thương lái mua quýt được lựa chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg, còn lại chỉ 5.000 - 7.000 đồng/kg”. 

Chúng tôi đến vườn quýt rộng 2ha của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh cách đó vài cây số, khi chủ vườn đang cặm cụi lượm những trái quýt rụng vàng gốc. Tạm dừng công việc, chủ vườn than thở: Công chăm sóc 1ha quýt lên đến cả trăm triệu đồng nên nếu bán lúc này sẽ không đủ tiền chi phí đầu tư. “Mùa trước vườn quýt của gia đình đạt 25 tấn trái, với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Vụ này ước tính sản lượng chỉ đạt 2/3 so với năm trước nhưng do giá quýt xuống thấp nên khó thu hồi được vốn đầu tư bỏ ra”. 

Chị Oanh và nhiều nhà vườn khác cũng đang ngồi trên đống lửa khi thương lái cũng không mặn mà thu mua, đẩy các nhà vườn đứng trước mùa quýt đắng. Do bỏ vốn đầu tư lớn vào vườn quýt nên các chủ vườn đang hãm chín và bán cầm chừng để chờ lên giá, vì nếu xuất ra thị trường sẽ lỗ nặng. Để vớt vát, quýt trong vườn đang được hãm chín nhưng cũng không được lâu vì đang mùa quýt rộ;  lúc này bán cũng lỗ nhưng không bán thì quýt hỏng hết, chị Oanh cho biết. 

Theo ông Bùi Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, hiện xã có khoảng 180ha quýt đường, trong đó có khoảng 150ha đang cho thu hoạch. “Việc nhiều nhà vườn trồng quýt có thu nhập giảm sút là do diện tích vườn cây già cỗi cho năng suất không cao và cùng với việc bà con nông dân mở rộng diện tích khá lớn khiến sản phẩm đầu ra dôi dư nên bị thương lái ép giá. Và cho đến nay chưa có đơn vị đứng ra bao tiêu cho người trồng quýt”.

Tin cùng chuyên mục