Ra đường sợ nhất ... tắc đường

Bây giờ việc đi lại tại một số nơi của Hà Nội và TPHCM có lẽ không còn khái niệm giờ cao điểm nữa. Ở Hà Nội, nhiều người ngại ra đường nếu không có việc. Hoặc nếu phải ra đường thì tìm những giờ “thấp điểm” để đi. Người già cả thường được con cái khuyến cáo rằng chớ có lang thang ngoài phố vì “bây giờ không còn nhiều chỗ cho các cụ đi lại đâu”.

Có ông bố trẻ nhà ở khu Linh Đàm lên cơ quan trên phố Trần Hưng Đạo làm việc, đi ô tô nhà mà hôm nào cũng phải dậy từ năm giờ sáng, rồi cơm nước cho con cái, sau đó cả nhà dắt díu nhau đi trước giờ làm việc những gần 2 tiếng. Tôi có việc đi từ nhà thông gia trên quận Tây Hồ xuống một nhà thông gia khác ở quận Hoàng Mai, đi bằng ô tô mà cái phương tiện bốn bánh ấy cũng phải bò tới trên một giờ đồng hồ mặc dù đã chọn lối đi dễ chịu nhất trong một buổi chiều muộn lúc đèn đã bật. Có người có việc về quê bên Bắc Ninh, đường sá chẳng bao xa mà có hôm phải đi từ sáng sớm tinh mơ hoặc đúng giờ trưa cho đường vắng.

Ở TPHCM trong dịp đầu năm tôi vào cũng chứng kiến những cảnh người xe như nước, chật chội như nêm ấy ở nhiều quãng đường từ ngoại thành vào nội thành hoặc từ nội thành đi các tỉnh. Nói chuyện với bạn bè ở TPHCM về chuyện đi lại, nhiều người cũng lắc đầu ngán ngẩm khi giao thông với nhiều phiền hà, bức xúc. Một người bạn ở huyện ngoại thành vào quận nội thành làm việc thở dài bảo, một ngày thời gian anh đi trên đường gần bằng một nửa tám tiếng làm việc, trong chen chúc bụi bậm, trong chờ đợi ồn ã, trong bực bõ đâu đâu. Anh hài hước ước ao, giá mình có đôi cánh, giá ai đó chế tạo thêm cánh quạt cho xe máy để có thể thẳng đứng bay lên như trực thăng mà vượt chướng ngại vật. Cũng dịp ấy tôi có việc đi từ TPHCM xuống Vũng Tàu mặc dù thời gian không đến nỗi gấp gáp nhưng cũng phải dậy rất sớm để ra xe phòng trừ chuyện tắc đường.

Những chuyện căng thẳng về giao thông trên, nhiều lúc như không thể chịu nổi hình như chỉ có ở Hà Nội, TPHCM. Tôi không có thời gian ở TPHCM nhiều như Hà Nội nhưng những lần qua lại thành phố lớn nhất phương Nam và đông người nhất phương Nam này thì cái không khí chen chúc ngổn ngang, cái không khí giậm chân chờ đợi, cái cảnh chen nhau trước sau là chẳng khác mấy so với Hà Nội. Chung quy cũng là ở tại cái sự đông quá, nhiều quá của người cùng phương tiện và ít quá cái tỷ lệ thuận của vốn đất giao thông lại hay bị tùy tiện lấn chiếm.

Xã hội phát triển, thu nhập của người lao động nặng túi hơn nên nhà nhà đua nhau thay xe đạp bằng xe máy. Người khá giả hơn chuyển đổi từ xe máy sang ô tô. Bây giờ ở Hà Nội và TPHCM xe máy nhiều hơn xe đạp, thậm chí là nhiều hơn rất nhiều. Đầy quá sẽ tràn. Vấn đề giao thông của hai thành phố lớn luôn luôn là chuyện thời sự của nhà chức trách. Thành phố đã nghĩ đến chuyện bố trí giờ làm việc, giờ đi học lệch nhau cho giảm lượng người và phương tiện có mặt trên đường. Có đại biểu chỉ ra lỗi yếu kém trong quản lý của người trông coi chuyện đi lại…

Tôi trộm nghĩ thế này. Khoan hãy bàn đến hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao ngốn đến hàng tỷ đô la và phải làm tới hàng chục năm, khoan hãy bàn tới việc mở mang các hệ thống giao thông, cầu cống ở các đường vành đai mà thời gian không thể thực hiện một sớm một chiều để cải thiện tình trạng đi lại quá tải hiện nay, mặc dù đó là việc hết sức cấp thiết. Trước mắt ta có thể giúp giải tỏa bớt những ách tắc này bằng những việc nên làm tức thời và là những việc trong tầm khả thi của tất cả mọi người. Hãy kiên quyết làm ngay, có lý có tình, để giải tỏa những xâm phạm không gian giao thông. Xin hoàn trả vỉa hè cho người đi bộ, đường sá cho phương tiện và người đi lại.

Tôi đã từng qua Paris của nước Pháp, Roma của nước Ý… không thể nói hai thành phố lớn ở châu Âu này không đông đúc và nhiều phương tiện như thủ đô Hà Nội, TPHCM nhưng sự đi lại của mọi người nơi đây sao thư thái và trật tự lạ lùng. Không hề có chuyện lấn vỉa hè, lấn đường. Mọi việc nếu có phải được phép nhưng ít. Các ngã tư đường dù to dù nhỏ đều có đèn xanh đèn đỏ và người qua lại cứ theo phép điều khiển của ánh sáng mà đi. Nhiều chỗ tôi qua không hề trông thấy một cảnh sát giao thông. Hình như luật đi lại đã ngấm vào máu người. Vẻ đẹp giao thông ở những nơi này rất đáng được trân trọng và học hỏi.

Tôi nghĩ với người mình, luật giao thông chẳng có gì khó hiểu lắm với bất cứ ai. Giản đơn là khi ra đường thấy đèn đỏ thì dừng, thấy đèn xanh thì đi, người đi bộ chỉ đi trên vỉa hè, sang đường nhớ đi theo vạch trắng, người đi xe máy nhớ đội nón bảo hiểm, ô tô không đậu chỗ cấm, không lấn chiếm đường, lấn chiếm vỉa hè, cảnh sát giao thông không chặc lưỡi cho qua mà phạt nghiêm những ai vi phạm…

Phan Quế

Tin cùng chuyên mục