Trước hết, cần rà soát và xác định các điểm đen mất ATGT trên từng địa bàn. Các điểm đen này bao gồm nơi thường xảy ra TNGT và nơi có nguy cơ cao về TNGT. Đó có thể là nơi có mật độ lưu thông cao, có nhiều điểm giao cắt, có sự xuống cấp của cầu đường, có sai sót trong phân luồng, phân tuyến, nơi có địa hình phức tạp… Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân dẫn tới điểm đen đó, cần kịp thời có biện pháp khắc phục, xử lý để xóa điểm đen.
Cần xác định các biểu hiện vi phạm ATGT thường xảy ra ở các khu vực của từng địa phương. Ở từng khu vực có thể có những vi phạm ATGT khác nhau, nên phải nắm bắt chính xác, đầy đủ để có biện pháp xử lý phù hợp.
Chẳng hạn, có nơi, việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở việc đi lại; có nơi việc xây cất hoặc trồng cây cối che khuất tầm nhìn, che khuất các biển báo, tự ý mở đường dân sinh ngang đường sắt, làm ảnh hưởng đến ATGT… Cần có giải pháp chấn chỉnh triệt để và duy trì trạng thái ATGT nhằm tránh sự cố đáng tiếc.
Chú ý phát hiện và khắc phục ngay các yếu tố có liên quan đến sự quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng có thể ảnh hưởng đến ATGT. Đó là các biểu hiện như không lắp đặt hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu; việc phân luồng, phân tuyến không hợp lý; việc thiếu kiểm tra, tuần tra và xử lý vi phạm; việc chậm chấn chỉnh các vi phạm gây mất ATGT dù đã được phát hiện từ trước; việc không có giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp đối với các biểu hiện vi phạm ATGT của người dân tại khu vực có nguy cơ cao…
Đây có thể xem là các yếu tố chủ quan của cơ quan quản lý, ít nhiều có tác động đến ATGT, cần được xử lý quyết liệt. Những trường hợp có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị hoặc đến cơ quan cấp trên thì cần có những kiến nghị kịp thời nhằm tháo gỡ ngay.
Cũng nên rà soát, phát hiện, kịp thời sửa chữa, thay thế các thiết bị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật không bảo đảm ATGT. Kịp thời ghi nhận các biểu hiện hư hỏng, xuống cấp của cầu, đường, các biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng, dải phân cách… để có biện pháp khắc phục ngay. Như tình trạng mặt đường hư hỏng trong mùa mưa, khi bị ngập thì rất dễ xảy ra TNGT, hay trong khu vực đông dân cư nhưng biển báo tốc độ bị hỏng, có thể làm người điều khiển phương tiện phóng nhanh.
Việc tổng rà soát, kiểm tra cần được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học sao cho thiết thực và hiệu quả. Tránh việc kiểm tra cho có lệ, các biểu hiện nguy cơ không được phát hiện đầy đủ hoặc được phát hiện nhưng không được ghi nhận đúng hiện trạng và nguy cơ của nó thì các giải pháp sẽ không khắc phục được rủi ro. Với các biểu hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm minh, nhất là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chứ không phải chỉ xử lý người dân vi phạm.
Quá trình kiểm tra, rà soát cần lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất, hiến kế của người dân về các vấn đề cụ thể liên quan đến ATGT, như việc tổ chức giao thông tại khu vực đó đã hợp lý chưa, hệ thống cảnh báo ở đó đã đủ chưa, các vi phạm thường xảy ra ở đó là gì, biện pháp khắc phục ra sao… Dĩ nhiên, quá trình này cũng cần được giám sát chặt chẽ để tránh thực hiện qua loa, sơ sài hoặc có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân…
Về cơ bản, để bảo đảm ATGT cần có sự đồng bộ giữa 3 yếu tố: ý thức, kỹ năng và sự chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông; độ an toàn của cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu về giao thông; độ an toàn của phương tiện tham gia giao thông. Nếu một trong 3 yếu tố đó không được đáp ứng thì rủi ro về TNGT sẽ gia tăng.
Do đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần thực hiện việc tổng kiểm tra để bảo đảm rằng, cả 3 yếu tố đều cơ bản được bảo đảm, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT, đặc biệt là TNGT có yếu tố lỗi của con người.