Rắc rối xung quanh cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010: Khánh Hòa, Tiền Giang “tiến thoái lưỡng nan”

RAAS rút - Khánh Hòa đắn đo kinh phí
Rắc rối xung quanh cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010: Khánh Hòa, Tiền Giang “tiến thoái lưỡng nan”

Cuộc thi Hoa hậu thế giới (HHTG) 2010 đang đến giai đoạn cao trào bỗng dưng chùng xuống như cây đàn đứt dây, bởi thông tin Tập đoàn RAAS rút khỏi vai trò tài trợ chính. Sự ra đi của RAAS đặt Khánh Hòa và Tiền Giang – 2 địa điểm dự định tổ chức cuộc thi – vào thế khó xử và hụt hẫng.

Khách quốc tế nghe đờn ca tài tử ở Thới Sơn. Ảnh: PHƯỚC LỢI

Khách quốc tế nghe đờn ca tài tử ở Thới Sơn. Ảnh: PHƯỚC LỢI

RAAS rút - Khánh Hòa đắn đo kinh phí

Đến thời điểm này, Tập đoàn RAAS đã chính thức gửi đơn lên Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cùng các cơ quan chức năng xin rút khỏi cuộc thi HHTG 2010.

Thông tin về cuộc thi này được công bố vào tháng 7-2008, tại một cuộc họp báo ở TPHCM. Lễ ký kết tổ chức cuộc thi có mặt Chủ tịch Tổ chức HHTG, lãnh đạo Tập đoàn RAAS và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, RAAS đã công bố sẽ chi khoảng 10 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cho cuộc thi. Địa điểm mà RAAS chọn là khu vực ở Đầm Môn, Đầm Bấy, Hòn Tren - những địa phận này nằm trong vùng lõi của vịnh Nha Trang, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo kế hoạch, RAAS sẽ xây dựng “Dự án ngàn sao” rộng khoảng 1.500ha với quy mô 2.000 nhà nghỉ bungalow cao cấp, gần 200 ngôi nhà dành cho hoa hậu và các câu lạc bộ dưới nước, sân golf, quảng trường, trung tâm mua sắm, resort… phục vụ cuộc thi. Thế nhưng, ngày 5-11-2008, RAAS gửi văn bản đến UBND tỉnh Khánh Hòa xin rút dự án “Dự án ngàn sao”, đồng thời hủy luôn dự án “Con đường hoa” dài 15km từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang mà UBND tỉnh giao cho RAAS thực hiện để chào mừng cuộc thi. Dù vậy, tại thời điểm đó và đến tháng 6-2009, RAAS vẫn khẳng định sẽ tổ chức HHTG 2010 tại Nha Trang.

Đến cuối tháng 10-2009, ông Hoàng Kiều, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn RAAS đã gửi công văn cho tỉnh Khánh Hòa về việc thay đổi địa điểm tổ cuộc thi HHTG 2010. Theo đó, cuộc thi sẽ dời về cù lao Thới Sơn (Tiền Giang). Tuy nhiên, đến ngày 28-1-2010, RAAS lại chính thức xin rút khỏi cuộc thi, trong khi Chính phủ vẫn giữ quan điểm tổ chức cuộc thi tại Khánh Hòa.

Về vấn đề này, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Ngày 28-1, UBND tỉnh Khánh Hòa có nhận được bản fax do Tập đoàn RAAS gửi, thông báo việc RAAS sẽ rút khỏi vai trò tổ chức cuộc thi HHTG. Văn bản này cũng khẳng định HHTG cũng không được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang”.

Ông Thân nói thêm: “Từ trước đến nay, tỉnh Khánh Hòa luôn sẵn sàng cho việc tổ chức cuộc thi HHTG, bởi Khánh Hòa vẫn làm theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc chuyển địa điểm về Tiền Giang chỉ là quyết định đơn phương của RAAS”.

Giá đất cù lao Thới Sơn có hạ nhiệt?

- Mới đây, Tổ chức HHTG (Miss World) đã đồng ý để Khánh Hòa tổ chức cuộc thi HHTG 2010, đồng thời yêu cầu tỉnh Khánh Hòa có văn bản xác nhận đảm bảo đủ số tiền 10 triệu USD trước ngày 12-2-2010.

Về vấn đề này, ông Lê Xuân Thân nói: “Khi RAAS rút lui, đồng nghĩa với nguồn tài trợ chính cho cuộc thi sẽ không còn. Nếu Khánh Hòa muốn đứng ra tổ chức cuộc thi HHTG thì còn rất nhiều chuyện phải tính, nhất là tổng kinh phí của cuộc thi. Khánh Hòa có được bản quyền tổ chức HHTG hay không là chuyện chưa khẳng định được. Với số tiền ước hơn 10 triệu USD, không sử dụng ngân sách nhà nước là quá lớn, việc tìm được nguồn tài trợ quả không đơn giản. Trong tuần tới, lãnh đạo Khánh Hòa sẽ tổ chức nhiều cuộc họp bàn đến vấn đề này, sau đó chúng tôi mới có thông tin trả lời chính thức trước công chúng”.

Thời gian gần đây, giá đất ở cù lao du lịch Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) tăng kỷ lục, bởi thông tin về cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 2010 sẽ được tổ chức tại cù lao này (Báo SGGP đã có bài phản ánh). Sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ về việc tiếp tục tổ chức cuộc thi ở Khánh Hòa, liệu giá đất ở cù lao Thới Sơn có hạ nhiệt, kinh tế du lịch nơi đây có bị ảnh hưởng?

Ông Tư Đàng, chủ một khu du lịch ở Thới Sơn cho biết: “Khoảng 2 tháng nay lượng du khách trong và ngoài nước đến đây giảm hẳn. Nếu như thời điểm đầu năm 2009, mỗi ngày đón từ 300 - 500 khách quốc tế nay còn chưa tới 1/3”. Nguyên nhân, theo ông Tư Đàng, là do nhiều công trình đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường.

Ông Ba Cận, người sống nhiều năm ở Thới Sơn, cho rằng chuyện “nóng” nhất ở đất cù lao này mấy tháng qua là cuộc thi HHTG được tổ chức tại đây. Sau khi ông Hoàng Kiều về Thới Sơn mua đất với giá “trên trời” (từ 1,5 - 2 tỷ đồng/1.000m2),  dân Thới Sơn lâng lâng với kỳ vọng đã đến thời huy hoàng khi giá đất tăng kỷ lục như thế. Đùng một cái, giấc mơ cũng tan như bong bóng xà phòng bởi cuộc thi HHTG không được tổ chức ở đây.

Không chỉ người dân Thới Sơn buồn, các ngành chức năng của Tiền Giang cũng luyến tiếc khi không được đăng cai sự kiện lớn này. Một lãnh đạo Sở VH-TT-DL Tiền Giang cho biết: “Mặc dù Tập đoàn RAAS và UBND tỉnh Tiền Giang có công văn đề nghị Chính phủ xin đăng cai cuộc thi, nhưng tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị mọi thứ để tổ chức nên họ không thể “nhường lại” được. Dù vậy, Tiền Giang không bỏ cuộc mà sẽ tính toán đề nghị xin tổ chức cuộc thi HHTG vào năm sau”.

Sau giai đoạn giá đất ở cù lao Thới Sơn tăng “phi mã” từ 200- 300 triệu đồng/công (1.000m2) lên 1,5- 2 tỷ đồng/công, sắp tới chắc chắn sẽ hạ nhiệt. Điều lo lắng nhất hiện nay ở Thới Sơn là hàng loạt công trình phát triển du lịch, dự án du lịch đã và đang triển khai, liệu có bị ảnh hưởng khi cuộc thi HHTG không về Thới Sơn?

Lãnh đạo Sở VH-TT-DL Tiền Giang khẳng định: “Các dự án đã đầu tư vẫn tiếp tục triển khai bình thường, vì đây là cơ sở hạ tầng cần thiết để Thới Sơn phát triển du lịch lâu dài và bền vững”. Vừa qua Tiền Giang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào 77 ha đất quy hoạch phát triển du lịch sinh thái ở Thới Sơn.

Văn Ngọc – Huỳnh Lợi

Tin cùng chuyên mục