Cuộc khủng hoảng rác thải tại thủ phủ Napoli của tỉnh Campania (Italia) là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ của nội các Romano Prodi. Tân Thủ tướng Silvio Berlusconi đã phải huy động một lực lượng quân đội lớn để giải quyết vấn đề vệ sinh tưởng như chẳng liên quan gì đến các lực lượng vũ trang. Nhưng rác thải không chỉ là vấn đề riêng của Italia
Nguy cơ bị kiện từ Ủy ban châu Âu
Đã có tổng cộng 3.000 quân nhân được điều tới Napoli và một số thành phố lân cận để giải quyết một nhiệm vụ khá đặc biệt: Dọn dẹp những núi rác khổng lồ đang tràn ngập các đường phố ở khu vực này.
Tại đây, binh lính cùng các nhân viên cảnh sát còn phải đảm đương một công việc nữa, đó là ngăn chặn hành động biểu tình quá khích của những người dân. Nhiều người dân Napoli đã thề không cho phép bất cứ một xe chở rác nào tiến tới khu vực ngoại ô phía Bắc thành phố. Khi cần thiết, họ còn sẵn sàng nằm ra trước bánh xe.
Đó là nguyên nhân khiến vào giai đoạn cao điểm trước đó, tại trung tâm thành phố Napoli có tới 2.000 tấn rác thải ngày ngày bốc mùi hôi thối dưới ánh mặt trời, chưa kể 23.000 tấn rác khác tại những khu ngoại ô thành phố. Số liệu thống kê cho thấy trên toàn tỉnh Campania (nơi dân số chỉ có 6 triệu người) đã tồn đọng tổng cộng 50.000 tấn rác!
Những cuộc khủng hoảng rác tương tự tại Italia đã nảy sinh từ năm 1994 nhưng vụ việc vừa qua có mức độ nghiêm trọng nhất. Đến tháng 12-2007, tất cả các bãi đổ rác ở phía Nam bán đảo này đều lâm vào tình trạng quá tải.
Thực tế này đã khiến ngay trước mùa du lịch trong năm - hứa hẹn đem đến cho Napoli những khoản thu nhập hấp dẫn - người dân tại đây đã có câu khẩu hiệu mỉa mai rằng: “Hãy đến Napoli và không phải ngạt thở vì mùi hôi thối!”.
Đó là lý do khiến số lượng du khách tới Napoli để chiêm ngưỡng vùng vịnh thơ mộng và những kiến trúc của thành phố cổ này có thể giảm xuống tới 30% trong năm nay.
Cách đây không lâu, Vụ trưởng Vụ Du lịch của Napoli là Claudio Belardi thậm chí còn phải kêu gọi các khách du lịch không nên để ý tới những tấm ảnh trên báo chí về những núi rác, cũng như con số thống kê đang ngày một tăng về tình trạng tội phạm và bệnh tật ở thành phố này.
Những lời hô hào tuyệt vọng này của vị quan chức phụ trách du lịch Napoli không phải là không có lý do. Cuộc khủng hoảng rác đang lên cao trào có lẽ chỉ có lợi cho… loài chuột - giống vật duy nhất tại đây đang tăng lên nhanh chóng theo cấp số nhân.
Lo sợ trước nguy cơ dịch bệnh do chuột gây ra, nhiều người dân Napoli lại chọn giải pháp là đốt những đống rác. Bầu trời nhiều khu vực trong thành phố thường xuyên bị bao phủ bởi những đám khói đen, khiến mọi người phải ngạt thở và chảy nước mắt.
Mọi người khi ra ngoài phố đều phải đeo khẩu trang trùm kín mặt, dù vẫn có không ít trường hợp nhiều người phải nhập viện vì ngộ độc khói. Tổng thống Giorgio Napolitano đã phải đánh giá tình hình tại Napoli là “bi kịch”, đồng thời kêu gọi chính phủ phải khẩn trương giải quyết vấn đề.
Cũng vì chuyện rác thải này, Chính phủ Italia còn có nguy cơ phải đương đầu với một vụ kiện từ phía Ủy ban châu Âu (EC), khi họ buộc tội Roma không có nỗ lực hay không đủ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng.
Lời cảnh báo gần đây nhất từ Brussels được đưa ra hồi tháng giêng, tuy nhiên sau gần nửa năm, tình hình vẫn chưa có gì tiến triển. Nếu như tòa án tại Luxemburg xác nhận Italia “có tội”, Roma sẽ phải trả một khoản tiền phạt không hề nhỏ.
Những “thiên thần rác”
Ngay khi bắt đầu hành động, Bertolaso đã thuê một lúc vài ngàn tuyên truyền viên, những người được gọi bằng cái tên khá đặc biệt: Những “thiên thần rác”. Nhiệm vụ của các tuyên truyền viên này là dạy cho người dân cách phân loại rác thải trước khi xử lý.
Thật ra, những biện pháp tương tự cũng đã được chính quyền đảng Xã hội trước đây áp dụng, tuy nhiên những nỗ lực của họ chỉ mang tính đơn lẻ. Việc xây dựng các nhà máy xử lý và quy hoạch các bãi đổ rác được tiến hành cực kỳ chậm chạp với nguyên nhân chính được xác định là những khoản tiền từ ngân sách phục vụ cho mục đích này đã bị thất thoát rất nhiều.
Kết quả là một loạt các cựu quan chức của hội đồng thành phố Napoli đang có nguy cơ bị truy tố vì sử dụng ngân sách không đúng mục đích.
Thật ra, một yếu tố đáng kể khác gây khó khăn cho việc giải quyết vấn đề trên chính là hoạt động của Camorra - một trong những băng nhóm mafia có ảnh hưởng nhất tại Campania.
Việc xử lý rác thải cách đây không lâu vẫn được coi là một trong những nguồn thu nhập lớn của tổ chức mafia này.
Ngay khi mới lên nhậm chức, tân Thủ tướng Berlusconi đã hứa hẹn muộn nhất đến cuối tháng 7 sẽ giúp Napoli thoát khỏi nạn rác thải. Nhiệm vụ quan trọng này được Berlusconi trực tiếp giao cho Bộ trưởng Bộ Bảo vệ dân sự Guido Bertolaso, người đã lên kế hoạch trong thời gian ngắn nhất sẽ mở ở miền Nam một nhà máy chế biến rác thải mới, bất chấp phản đối của người dân địa phương. Bertolaso đã đưa ra những ví dụ tại Đức, nơi mỗi quyết định xây dựng một nhà máy đốt rác mới đều phải đón nhận phản ứng của công luận. Tuy nhiên, những làn sóng phản đối này đã nhanh chóng biến mất ngay khi các nhà máy bắt đầu hoạt động. |
Cụ thể là hội đồng nhiều thành phố và các nhà dân tại đây đã từng có thông lệ chi tiền cho Camorra để vận chuyển rác, sau đó được chúng cho quăng xuống biển hay đổ lên núi. Trong số các nguồn thu của Camorra, khoản tiền có được từ đổ rác của Camorra đứng thứ hai chỉ sau có buôn ma túy.
Đó là lý do khiến các thành viên mafia đã tìm mọi cách ngăn cản chính phủ can thiệp vào ngành kinh doanh béo bở này của chúng. Chính quyền Italia hiện nay cho rằng, Camorra có ảnh hưởng rất đáng kể tới cộng đồng người dân tại Napoli.
Những hành động của người dân nhằm chống lại việc xây dựng những bãi rác và xí nghiệp chế biến rác mới thực ra là do các đại diện của mafia đứng ra xúi bẩy.
............
Bài 2: Kinh nghiệm nhìn từ nước Đức
LINH NGA (tổng hợp)