Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thành Vấn, Trưởng bộ môn Vật lý địa cầu, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) cho biết, radar xuyên đất (GPR) đã được triển khai áp dụng tại một số cơ quan nghiên cứu ở nước ta. Viện Vật lý địa cầu cùng một số cơ quan đã triển khai GPR điều tra xác định tổ mối và các khuyết tật trong thân đê và hệ thống cống dưới đê của các tuyến đê sông Hồng, sông Cầu, sông Đáy, sông Thái Bình hoặc các đập đất lớn ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa lý tài nguyên TPHCM, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM đã nghiên cứu khảo sát các điểm xung yếu để dự báo sạt lở bờ sông Tiền tại Hồng Ngự, Tân Châu, Sa Đéc (Đồng Tháp), Vĩnh Long, bờ sông Sài Gòn tại bán đảo Thanh Đa (TPHCM).
Không chỉ vậy, theo PGS-TS Nguyễn Thành Vấn, Liên đoàn Vật lý địa chất thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đã ứng dụng phương pháp GPR trong điều tra đánh giá sụt lở đất ở Cam Lộ, Đông Hà, Quảng Trị. Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu của bộ môn Vật lý Địa cầu Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã dùng GPR kết hợp với địa chấn khúc xạ và ảnh điện để khảo sát ở khu vực Đức Trọng, Lâm Đồng nhằm xác định các ranh giới địa chất có thể là nguyên nhân gây tai biến trong tương lai gần hoặc tìm kiếm các khu vực có nguy cơ sụt lún liên quan đến hang ngầm.
Theo PGS-TS Vấn, GPR là một phương pháp địa vật lý thăm dò, vì vậy đối với nhiều đối tượng khảo sát khác nhau nên kết hợp với phương pháp điện từ tần số rất thấp (VLF), điện đa cực, địa chấn thăm dò… để khảo sát địa chất công trình trên các tuyến đê, đường bờ kè tại các khu vực sạt lở, nền móng các công trình thủy điện, đánh giá ô nhiễm môi trường ở một số công trình tại Việt Nam.
Tuy đã có nhiều thành quả trong các lĩnh vực nhưng khả năng ứng dụng của GPR vẫn chưa được khai thác đầy đủ ở Việt Nam. Việc thiếu trang thiết bị là một trở ngại lớn trong việc phát triển GPR, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Điều này làm hạn chế việc tìm hiểu và phát triển ứng dụng thực tế của phương pháp. Chính vì thế, PGS-TS Vấn cho rằng, để đạt được kết quả tốt hơn, cần có sự quan tâm và đầu tư trang thiết bị đúng mức để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng, phát triển công tác nghiên cứu và áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên cần lưu ý là việc xử lý GPR thường phải đối mặt với nhiễu từ nhiều nguồn khi sử dụng anten khảo sát tần số cao trong TP và khu dân cư. Do đó, để có được các kết quả mong muốn, kinh nghiệm giải đoán đóng một vai trò rất quan trọng.
TẤN BA