Rào cản khó vượt

Cả Mỹ lẫn Nga ngày 5-4 đều cùng tuyên bố sẽ cải cách lực lượng an ninh và quân đội để đối phó với các mối đe dọa toàn cầu trong đó chống khủng bố, xóa sổ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được coi là ưu tiên hàng đầu.

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo dù đã thiệt hại nặng nề, song IS vẫn có khả năng tiếp tục phát động các cuộc tấn công khủng bố gây hậu quả nghiêm trọng. Theo ông Obama, các lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu cần tiếp tục duy trì sức ép lên IS bằng các chiến dịch tình báo, ngoại giao cũng như quân sự. Tại Mátxcơva, Tổng thống Nga V.Putin thông báo sẽ thành lập cơ quan hành pháp liên bang mới, trên cơ sở lực lượng trực thuộc, Bộ Nội vụ thành lập Vệ binh quốc gia, lực lượng sẽ đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức...

Trang Tin tham khảo Trung Quốc số ra mới đây bình luận vẫn còn nhiều rào cản khó vượt trong cuộc chiến chống khủng bố khi nhận thức về hợp tác quốc tế, về chia sẻ thông tin an ninh, về niềm tin giữa các nước, khu vực vẫn còn quá khác biệt. Ví dụ dễ thấy nhất là mãi tới sau vụ khủng bố Brussels, tại cuộc họp ngày 24-3-2016, các bộ trưởng nội vụ và tư pháp của 28 nước thành viên EU mới thông qua được một nghị quyết về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo.

Một trong những hoạt động cần phải thay đổi nhất hiện nay là hợp tác chống khủng bố. Tuy luôn là đòi hỏi bức thiết và thường xuyên được đề cập, nhưng đến nay, hợp tác quốc tế vẫn thiếu hiệu quả và là điểm yếu của cộng đồng quốc tế, bị các lực lượng khủng bố khai thác triệt để. Nguyên nhân thường được viện dẫn là bởi sự khác biệt trong chính sách an ninh cũng như chưa có được lòng tin giữa các nước. Để cuộc chiến chống khủng bố có kết quả thì không thể đợi đến lúc có lòng tin hay đạt được sự đồng thuận. Trước tình trạng các lực lượng khủng bố luôn rình rập, tìm mọi cách thực hiện các vụ tấn công như hiện nay, một mình EU thay đổi là chưa đủ. Để cuộc chiến chống khủng bố có hiệu quả hơn, đã đến lúc cộng đồng quốc tế cũng cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong nhận thức về vấn nạn này. Trước hết, mức độ nguy hiểm của nguy cơ khủng bố cần phải được đặt lên mức báo động cao nhất trong chính sách an ninh của mọi quốc gia. Những vụ khủng bố tại Tunisia, Ai Cập, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Pakistan… rõ ràng đã khiến quan niệm khủng bố chỉ nhắm vào phương Tây trở nên lạc hậu. Giờ đây, bất cứ nước nào, bất cứ tôn giáo nào (kể cả Hồi giáo) cũng có thể trở thành đối tượng của khủng bố.

Đáng lo ngại hơn, IS đã không dừng lại ở việc chiêu mộ các tín đồ cực đoan mà bắt đầu chú ý đến cả những tên tội phạm thông thường, thậm chí là cả những người dân bình thường có đôi chút mặc cảm với xã hội. Qua tài liệu thu được của những nghi can tại Bỉ, điều đáng báo động nhất hiện nay chính là nguy cơ sử dụng bom bẩn có chất giàu phóng xạ hay sinh học của các nhóm khủng bố. Vì vậy, cần có sự tiếp cận mới đối với công tác quản lý của mỗi chính phủ. Hiện nay, ngoài số công dân của chính mình, một số lượng người không nhỏ đến từ rất nhiều nơi trên thế giới đã khiến cho công việc sàng lọc, theo dõi các đối tượng tình nghi trở thành một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với bất cứ quốc gia nào.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục