(SGGPO). - Dịch cúm A/H7N9 đang bùng phát mạnh mẽ ở một số quốc gia, nhất là tại Trung Quốc, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đây là đợt dịch bùng phát thứ 5 của virus cúm H7N9, nhưng là lần mạnh nhất với nhiều người mắc nhất kể từ đợt dịch cúm A/H7N9 đầu tiên trên thế giới vào năm 2013. Trong khi đó, ở trong nước, dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6 cũng đang bùng phát trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương khiến nguy cơ lây lan sang người rất cao.
H7N9 nguy cơ xâm nhập, H5N1 và H5N6 dễ lây lan
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ tính từ tháng 10-2016 cho tới gần cuối tháng 2-2017 đã có trên 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9 được ghi nhận (nhiều nhất so với 4 đợt dịch trước đó) và hiện số mắc vẫn đang gia tăng rất nhanh ở Trung Quốc, địa bàn có dịch đang lan rộng ra nhiều tỉnh của quốc gia này. Đáng lưu ý, có tới trên 90% bệnh nhân mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, trong đó 35% là người làm nông nghiệp và 10% làm nội trợ.
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn thu giữ gia cầm giống nhập lậu
Liên quan tới tình hình dịch cúm ở trong nước, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam hiện chưa ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9, A/H5N6 và cúm A/H5N1 trên người. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành trong cả nước đang ghi nhận nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6 trên đàn gia cầm nên đây là mối nguy cơ đe dọa rất lớn việc lây nhiễm các virus cúm này từ gia cầm sang người. Đặc biệt, nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập Việt Nam thời điểm này rất cao. Bởi lẽ tại Trung Quốc, dịch cúm A/H7N9 đang có tốc độ gia tăng nhanh về ca mắc, xảy ra trên diện rộng. Trong đó tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) đang có dịch cúm A/H7N9 trong khi 2 tỉnh này có biên giới dài với Việt Nam nên đây là vấn đề rất đáng quan ngại trong bối cảnh giao lưu, đi lại giữa người dân hai nước thường xuyên.
Trước nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập và cúm A/H5N1, A/H5N6 ở gia cầm lây lan sang người, Bộ Y tế cho rằng, không có dịch trên đàn gia cầm sẽ không có dịch cúm gia cầm trên người. Do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị chức năng, đặc biệt là y tế tại các địa phương mở rộng diện giám sát cúm trên người tại cộng đồng, đầu tiên là những người có nguy cơ. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đồng thời, ngành y tế tăng giám sát trên người, đặc biệt với khu vực giao lưu có nhiều khách du lịch Trung Quốc như Nha Trang, các khu vực biên giới với Trung Quốc. Song song đó, sẽ mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước đây chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng sẽ tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, ưu tiên người vận chuyển, giết mổ, tiếp xúc với gia cầm, chợ nhỏ lẻ, đầu mối.
Tập trung ngăn chặn
Trước nguy cơ trên, tại một số cửa khẩu ở biên giới phía Bắc công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 đang được ráo riết triển khai.
Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết, để chủ động ngăn chặn cúm A/H7N9 xâm nhập, tất cả cán bộ, nhân viên làm việc tại 9 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều được phổ biến, cập nhật những thông tin về dịch cúm A/H7N9. Đơn vị đã bố trí 5 máy đo thân nhiệt từ xa bằng camera hồng ngoại tại các cửa khẩu: Hữu Nghị, Ga quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu Cốc Nam, Tân Thanh để kịp thời phát hiện những ca bệnh nghi nhiễm cúm nhập cảnh nhằm có biện pháp cách ly và ngăn chặn. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh có hơn 200km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc nên việc buôn bán gia cầm tại các đường mở, tiểu ngạch qua lại giữa 2 bên vẫn diễn ra nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất cao. Vì thế, lực lượng chức năng ở Lạng Sơn đang tập trung đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nhằm để ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển vịt, gà và các sản phẩm từ gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Đồng thời thường xuyên kiểm tra lấy mẫu gia cầm tại các chợ trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm các lô gia cầm nhiễm bệnh.
Tại Quảng Ninh, do đặc thù địa lý có cả biên giới đường bộ, đường sông và đường biển nên việc kiểm soát, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu qua biên giới cũng rất phức tạp và khó khăn; lượng cư dân qua lại giữa 2 nước tại khu vực cửa khẩu Móng Cái rất đông đúc.
Nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác từ biên giới xâm nhập vào, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu lực lượng kiểm dịch y tế biên giới, biên phòng, hải quan tại các khu vực biên giới, cửa khẩu có trách nhiệm tổ chức giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Triển khai các biện pháp tuyên truyền cho người xuất, nhập cảnh đi đến vùng có dịch về biện pháp phòng, chống cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu, các điểm thông quan, địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Trong khi đó, tại Lào Cai, ông Trần Đức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lào Cai cho biết, những ngày qua, đơn vị đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh bên kia biên giới.
Theo ông Hùng, việc quan trọng nhất thời điểm này là chủ động giám sát lượng người nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các du khách về các triệu chứng cũng như dấu hiệu nhận biết của cúm A/H7N9. Đơn vị đã thực hiện tuyên truyền bằng cách phát tờ rơi được in ấn 2 thứ tiếng để cả du khách Việt Nam và Trung Quốc có thể hiểu.
MINH KHANG