Dự án nuôi cấy ngọc trai màu xuất khẩu

Rất cần sự hỗ trợ của địa phương

Hoan nghênh sự ưu đãi cho một dự án kinh tế khả thi
Rất cần sự hỗ trợ của địa phương

Ngày 28 – 12 – 2006, chúng tôi nhận được “Đơn kêu cứu” của bà Nguyễn Thị Thu Cúc – Giám đốc Công ty TNHH Bối Ngọc (tỉnh Bến Tre) phản ánh về nguy cơ phá sản một “Dự án nuôi cấy ngọc trai màu xuất khẩu”, do doanh nghiệp làm chủ đầu tư vì một số nguyên nhân khách quan không đáng có.…

Hoan nghênh sự ưu đãi cho một dự án kinh tế khả thi

Rất cần sự hỗ trợ của địa phương ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc – Giám đốc Công ty TNHH Bối Ngọc

Theo Quyết định số 2270/QĐ-UB của UBND tỉnh Bến Tre vào ngày 27 – 6 – 2002 về việc: thu hồi và cho Công ty TNHH Bối Ngọc nuôi thủy sản thuê đất để xây dựng và khai thác nuôi cấy ngọc trai màu tại xã Tiên Long – huyện Châu Thành, thì Công ty Bối Ngọc được phép thuê phần đất 40.927 m2 (Cồn Cát Tiên) thuộc lô 1252, 1253, 1254, 1255, 1256, tờ bản đồ số 4, xã Tiên Long do Công ty Du lịch quản lý từ năm 1997 đến nay không có nhu cầu sử dụng, để xây dựng nuôi trồng thủy sản và ngọc trai màu theo “Dự án nuôi cấy ngọc trai màu xuất khẩu”.

Theo Giấy chứng nhận số 1090/CN-UB của UBND tỉnh Bến Tre vào ngày 23 – 08 – 2002, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho Công ty TNHH Bối Ngọc (số 166C4 Nguyễn Huệ, P. Phú Khương, TX Bến Tre), thì Công ty Bối Ngọc được hưởng một số ưu đãi lớn: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm đầu từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm tiếp theo do thực hiện dự án đầu tư nuôi cấy ngọc trai màu mang lại, được miễn tiền thuê đất 3 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất, được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung cho phần thu nhập cao tăng thêm do thực hiện dự án nuôi cấy ngọc trai màu mang lại, được vay tín dụng trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển hoặc được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư  theo quy định, để xây dựng Dự án thành công theo đúng mục đích ban đầu. Đây là những ưu đãi lớn của chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre nhằm thu hút đầu tư bên ngoài, cần được phát huy tốt hơn nữa.

Nhưng... dự án có nguy cơ phá sản, vì sao?

Qua “Đơn kêu cứu”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa để “Dự án nuôi cấy ngọc trai màu xuất khẩu” được triển khai và phát triển theo đúng mục đích kế hoạch. Bà cho biết: “Với diện tích 40.927 m2 ban đầu được tỉnh cho thuê để khai thác, chúng tôi đang thực hiện theo đúng những điều khoản đã cam kết.

Do nhu cầu cần thiết mở rộng diện tích nuôi thủy sản và cũng để bảo vệ môi trường cho khu vực nuôi cấy ngọc trai, chúng tôi có làm đơn trình các cấp chính quyền phê duyệt cho công ty mở rộng diện tích mặt nước từ đê ra 50m quanh Cồn Cát Tiên nhưng chưa thấy hồi âm. Trong khi đó, chúng tôi nhận thấy 2 nhà đầu tư khác đang tiến hành khai thác tại hai đầu của khu vực trên để sử dụng theo mục đích chưa xác định rõ.

Rất cần sự hỗ trợ của địa phương ảnh 2

Việc làm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính khả thi của dự án (có thể dự án sẽ bị phá sản), đưa chúng tôi rơi vào thế bị động về môi trường khai thác, mà chúng tôi đã được tỉnh phê duyệt và cấp giấy chứng nhận ưu đãi. Chúng tôi nhiều lần lên tiếng về vấn đề này nhưng chưa nhận được sự can thiệp hợp lý nào từ phía địa phương. Ngày 9 – 1 – 2006 chúng tôi đã ký kết bảng ghi nhớ về chuyển giao công nghệ xử lý ngọc trai (để đạt 90% sản lượng sau thu hoạch) với một đối tác Nhật Bản”.

Được biết, Công ty Bối Ngọc đã nuôi cấy thử nghiệm và thành công 6.000 con giống trên diện tích 5.000 m2. “Dự án nuôi cấy ngọc trai màu xuất khẩu” sẽ mở rộng diện tích, trong đó: diện tích mặt nước xung quanh đê được chia làm 3 khu: khu nuôi dưỡng, khu tạo ngọc, khu nhân giống và diện tích trên cồn dùng để xây dựng khu phục vụ và bảo vệ (7.000m2), trồng cây ăn trái 25.000m2, nuôi cá bống tượng, tai tượng, điêu hồng: 15.000m2 để lấy ngắn nuôi dài.

Như vậy, ngay từ khi xây dựng kế hoạch Dự án, Công ty Bối Ngọc đã đề cập đến vai trò vô cùng quan trọng của vành đai xung quanh đê cồn cát. Nếu bây giờ, khu vực xung quanh đê cồn cát được đơn vị khác khai thác sử dụng thì hậu quả gây ra đối với một dự án khả thi mà được tỉnh ưu đãi rất lớn sẽ đi về đâu. Từ đó, liệu các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư kinh tế vào tỉnh Bến Tre có thật sự an tâm (?!). Nên chăng tạo mọi điều kiện thuận lợi để một “viên ngọc” tỏa sáng.

PHƯƠNG LĨNH – NGUYÊN XUÂN

Tin cùng chuyên mục