Sau vụ việc bị phát hiện sử dụng phẩm màu công nghiệp để giúp rau muống bào giữ được độ tươi và trắng nhiều ngày tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, địa bàn có diện tích rau muống nước tập trung và nhiều nhất ở ngoại thành TPHCM, việc kinh doanh mặt hàng này bị tác động không nhỏ.
Một hộ kinh doanh rau muống bào tại ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi (Ảnh mang tính minh họa)
2 sự cố an toàn thực phẩm ở 1 xã
Đó là ghi nhận của đoàn giám sát thuộc Ban Chỉ đạo kế hoạch liên tịch (gồm Hội Nông dân TP, Ủy ban MTTQ TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương) cuối tuần qua về việc trồng rau muống nước, kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Bình Mỹ. Ông Huỳnh Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, cho biết theo con số điều tra mới nhất, toàn xã có 332 hộ trồng rau muống nước với 260ha, hầu như là dân nhập cư. Sau vụ phát hiện có hộ sử dụng nhớt tưới trên rau muống nước khi mới cắt để diệt rầy vào đầu năm 2016, gây ra sự lo lắng về an toàn thực phẩm, người trồng rau muống nước lao đao vì bị tẩy chay một thời gian. Huyện Củ Chi và ngành nông nghiệp TP đã kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc sản xuất. Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông TP tố chức các lớp tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng cách, đúng lúc). Trung tâm Khuyến nông TP xây dựng 3 mô hình trồng rau muống nước theo VietGAP (15ha) tại huyện Củ Chi và quận 12. Chi cục BVTV lấy mẫu đất, mẫu nước kiểm tra chỉ tiêu kim loại nặng, vi sinh, chưa phát hiện vượt quá ngưỡng cho phép. Theo Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, ngành nông nghiệp TP tổ chức lại việc sản xuất rau muống nước đạt chuẩn VietGAP, trước mắt tại 2 xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) và Nhị Bình (Hóc Môn), với dự kiến ban đầu 200 - 300ha.
Tuy nhiên, những cố gắng này vừa mới đạt được những chuyển động ban đầu thì lại xảy ra việc sử dụng phẩm màu công nghiệp trong rau muống bào để giúp cho rau muống giữ trắng và độ tươi lâu hơn. Xã Bình Mỹ cho biết, có 15 hộ vừa trồng vừa kinh doanh rau muống bào; ở xã có cả điểm tập trung giao dịch rau muống hàng đêm để đưa về các chợ đầu mối của TPHCM cũng như vận chuyển rau muống bào sang các tỉnh Đông Nam bộ, kể cả Lâm Đồng. Nhưng từ khi phát hiện vụ việc trên, tình hình kinh doanh loại rau muống này bị giảm khá mạnh, tác động đến giá cả rau muống nước nói chung.
Cần có hướng xử lý hiệu quả
Chuyển đổi sản xuất, từ cây lúa sang cây con có giá trị cao phù hợp với nền nông nghiệp đô thị ở ngoại thành TPHCM là chủ trương lớn của TP trong việc nâng cao giá trị sử dụng đất và gia tăng thu nhập người dân. Nói đến Củ Chi, huyện trọng điểm về nông nghiệp của TP, người ta biết nhiều đến lan cắt cành Mokara hay Dendrobium, con bò sữa, cá cảnh, kể cây ăn trái… giúp thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt nhờ giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây lúa. Nhưng những năm gần đây, rau muống nước là cây có những đóng góp đáng kể, nhất là cho xã Bình Mỹ. Theo chủ tịch hội nông dân huyện, diện tích rau muống nước gia tăng nhanh, giúp giá trị sản xuất của đất nông nghiệp tăng lên, trong đó, riêng xã Bình Mỹ lên khoảng 500 triệu đồng/ha/năm, cao hơn bình quân đất nông nghiệpcủa TP. Rau muống nước còn giúp giảm bớt diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang mấy năm trước.
Trong số hơn 1.000ha rau muống nước ở ngoại thành TPHCM, huyện Củ Chi chiếm 708ha, tập trung nhiều nhất là xã Bình Mỹ. Việc chuyển đổi lúa sang rau muống nước tương đối dễ dàng hơn so với chuyển sang trồng lan, cá cảnh do kỹ thuật đơn giản và xoay dòng vốn nhanh, phù hợp với những người dân nhập cư các tỉnh đến thuê đất trồng, thu nhập mỗi hộ từ cây rau muống này lên đến vài trăm triệu đồng/ha/năm sau khi đã trừ các khoản phí. Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, Trưởng đoàn giám sát, cho rằng rau muống nước là nghề hiệu quả, đang phát triển khá bền vững khi việc sản xuất và đầu ra sản phẩm rộng, không chỉ ở TPHCM. Nhưng với sản phẩm này đang đặt ra những vấn đề cần có sự giải quyết căn cơ để giúp các hộ nhập cư chí thú làm ăn, có việc làm ổn định, cũng như giúp bà con tuân thủ các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho loại rau bình dân, phổ biến hàng ngày của mọi người. Đó là vấn đề sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường, cho dù bà con đã ý thức hơn trong việc không vứt bừa bãi bao bì, biết gom lại tiêu hủy, nhưng việc xây dựng nhà vệ sinh tự hoại đang gặp khó (do đất thuê, thời gian không dài hạn, làm nhà tạm ngay trên nơi sản xuất, có nơi chủ đất không cho làm nhà vệ sinh tự hoại, cũng như áp lực chi phí), nên đây là vấn đề đòi hỏi ngành chức năng và địa phương cần rốt ráo có hướng giải quyết.
Mặc dù việc phát hiện mới đây làm cho các hộ kinh doanh mặt hàng này dè chừng, lo ngại và cho biết không còn sử dụng nữa, như anh Trần Văn Đều, gốc Ninh Bình, thuê đất ở ấp 7 trồng 1,5ha đã nói với đoàn, nhưng theo những người có chuyên môn, việc sử dụng không dễ chấm dứt vì nhìn vào vật dụng như thau, chậu đựng rau muống bào bám phẩm màu xanh cả bên trong và ngoài. Hơn nữa, chính họ thừa nhận, loại rau muống này sau khi bào nếu không ngâm nước sẽ bị ngã màu đen do mủ từ cọng rau tiết ra và mau bị ngã sang màu vàng. Áp lực của các mối lái đều yêu cầu phải trắng và giữ độ tươi lâu để vận chuyển đi xa, nếu bị vàng người tiêu dùng không mua. Do vậy, thay vì chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử phạt để răn đe, nên tìm hướng giải quyết căn cơ hơn, kêu gọi các nhà khoa học tư vấn để tìm ra loại chất an toàn thực phẩm để thay thế phẩm màu công nghiệp. Ngoài ra, cũng nên tổ chức, liên kết các hộ nhập cư này lại thành các tổ hợp tác hay hợp tác xã và giới thiệu các doanh nghiệp hay hợp tác xã tiêu thụ để kết nối. Qua đó, việc quản lý và tuân thủ các quy định sẽ thuận lợi hơn. Nhưng điều quan trọng là xây dựng cho được ý thức trồng tử tế từ cái tâm của người sản xuất, vì khó có thể giám sát hết mọi hành vi, nếu có ai cố tình vi phạm.
CÔNG PHIÊN