Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ở TPHCM ngày càng tăng, các đơn vị, hợp tác xã (HTX) trồng rau sạch không ngừng mở rộng diện tích, và các chợ cũng nhanh chóng vào cuộc.
Đắt gấp đôi, vẫn mua
Trong 4 năm qua, ngày nào cũng vậy, tại gian hàng của vợ chồng anh Bình, chị Thoa (khu vực chợ Văn Thánh) cũng tiếp nhận khoảng gần 10 loại rau củ quả đạt chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp Thỏ Việt. Các mặt hàng này được bày bán ở một khu vực riêng trong gian hàng. Chị Thoa cho biết, so với các loại rau bán xá, rau VietGAP có giá bán cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần nhưng vẫn được nhiều khách hàng chọn mua và chỉ sau 8 giờ là hết hàng. Tất cả các mặt hàng này đều được đóng gói bình quân ở mức 500gram/gói, giá bán tùy loại rau như muống, dền, đay, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt… dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/gói. Theo chị Thoa, sản lượng rau VietGAP tiêu thụ ngày càng nhiều do nhu cầu sử dụng tăng cao. Lý do, ngoài yếu tố đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì giá bán của các loại rau VietGAP rất ổn định. Có thời điểm rau xá tăng gấp 3 lần do thời tiết xấu khiến sản lượng sụt giảm thì rau VietGAP vẫn giữ giá.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, cho hay, liên tục nhiều năm qua, giá bán các loại rau của Thỏ Việt không những không tăng mà còn giảm, nhờ sản lượng gieo trồng được mở rộng. Chẳng hạn, giá bán 1 gói rau muống cách đây 4 năm là 9.000 đồng thì nay chỉ còn 8.000 đồng. Ngay cả những thời điểm, các loại rau xá giá bán tăng gấp 3 lần do thời tiết xấu nhưng rau của Thỏ Việt vẫn ổn định giá.
Chọn mua rau VietGAP tại cửa hàng Cường ở chợ Bến Thành. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Trên thị trường, ngoài sản phẩm VietGAP còn có các loại rau hữu cơ (còn được gọi là rau organic). Loại rau này thực sự sạch do không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích, chất bảo quản và không biến đổi gen… Anh N.H.Tấn (đường D3, quận Bình Thạnh) cho biết, gần đây đã xuất hiện khá nhiều cửa hàng chuyên bán rau organic, nhưng địa chỉ mua hàng tin cậy nhất vẫn là điểm bán của Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM. Theo anh Tấn, chất lượng rau ở đây có sự khác biệt hoàn toàn so với các loại rau đang bán trên thị trường vì độ giòn, ngọt và rất thơm. Hơn nữa lượng rau ở đây rất ít và không phải ngày nào cũng có hàng. Nhiều người sành ăn cũng đã trở thành khách hàng thường xuyên của địa điểm này. So với rau VietGAP, giá bán rau organic cũng cao gấp đôi nhưng nhiều người vẫn mua, với họ sức khỏe cho gia đình quan trọng hơn là giá cả. Điều này có thể lý giải, một cửa hàng rau organic nhỏ xíu ở đường Hai Bà Trưng nhưng khách hàng lúc nào cũng đông nghẹt, người mua chậm chân là hết hàng.
Chị N.P.T., giám đốc một công ty rau sạch ở TPHCM, cho biết, trồng rau organic khó hơn rất nhiều so với rau VietGAP vì nhiều lý do, nên giá rau rất cao. “Sau 5 năm đến các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An thuê đất trồng rau và nay phải lên Lâm Đồng để mở rộng diện tích, nhưng lượng rau organic mới chỉ đủ cung ứng cho gia đình và những người thân quen dùng hàng ngày. Nhiều bạn bè đề nghị được mua rau của tôi nhưng vẫn phải nằm trong danh sách chờ. Nhu cầu sử dụng rau sạch là rất lớn nhưng khả năng đáp ứng vẫn còn rất hạn chế. Còn nếu làm theo kiểu chụp giựt “treo đầu dê, bán thịt chó” như một số đơn vị thì tôi không làm được” - chị N.P.T. nói.
Khó vào chợ
Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng lớn, đồng thời thực hiện chủ trương của TP triển khai “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại TPHCM giai đoạn 2013 - 2015”, thời gian vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã có buổi làm việc với 17 chợ loại 1 của TP để đưa rau VietGAP vào các chợ truyền thống. Không chờ đến khi Sở triển khai, trước đó, chợ Tân Định cũng đã chủ động lên kế hoạch đưa mô hình rau sạch vào chợ, đồng thời tổ chức các buổi trao đổi kiến thức về rau sạch cho tiểu thương. Trước mắt, ban quản lý chợ sẽ nhận rau sạch từ các nhà cung cấp để phân phối lại cho tiểu thương để bán cùng với rau xá.
Tương tự, tại chợ Thái Bình, đã triển khai thử nghiệm và nhận rau VietGAP để giao cho tiểu thương và bán theo dạng ký gửi nhưng kết quả là, đến trưa ban quản lý phải mang rau đi bán dạo vì không có kho lạnh! Vị đại diện chợ này cho biết, sở dĩ rau sạch vào chợ chưa thành công là vì ý thức của tiểu thương chưa cao, hơn nữa thói quen của đại đa số người tiêu dùng thích chọn mua theo số lượng thông thường, trong khi đó rau VietGAP đều đã được đóng gói sẵn nên cung cầu rất khó gặp nhau. Hơn nữa, rau sạch có giá cao hơn rau xá nên chưa thuyết phục người tiêu dùng. Mô hình rau sạch ra chợ dường như khó thành công vì nhiều lý do.
Quay trở lại buổi làm việc giữa Sở Công thương và 17 chợ loại 1, các bên đều đã thể hiện quyết tâm trong việc đưa rau sạch vào chợ bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, dù được các chợ ủng hộ nhưng cách làm hiệu quả là sở vẫn phải chọn phương án thực hiện theo dạng “cuốn chiếu”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không thể triển khai một cách đại trà. Bên cạnh sự hạn hẹp về kinh phí trong việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng các chợ thì ý thức cũng như hành vi của tiểu thương cũng là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi lẽ họ mới chính là chủ thể để thực hiện chương trình chứ không phải ai khác. Ngoài ra, tâm lý cũng như ý thức người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm, sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai. Đây cũng chính là lý do vì sao TP chọn chợ Bến Thành để mở đầu cho chương trình này.
Trước mắt, rau VietGAP sẽ đưa vào bán thí điểm ở 32 sạp rau tại chợ Bến Thành. Tức là, bên cạnh các mặt hàng rau mà tiểu thương đang bán, rau VietGAP sẽ được bố trí ngay bên cạnh nhằm tạo nhiều sự lựa chọn cho người mua. Theo ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, giá rau VietGAP sẽ không chênh lệch với các loại rau thường vì hiện nay các cơ sở đã mở rộng quy mô sản xuất nên chi phí giảm. Rau VietGAP tại chợ Bến Thành sẽ được cung cấp giá sỉ cho các tiểu thương, đồng thời là nơi bán lẻ để người tiêu dùng có thể đối chiếu giá, chất lượng với các loại rau bán xá trên thị trường. Nếu lượng rau tiêu thụ hàng ngày không hết, HTX sẽ thu hồi nhằm cắt lỗ cho tiểu thương. Theo tính toán của ông Thừa, khi bán rau VietGAP, tiểu thương sẽ có mức lợi nhuận là 10%.
Nhu cầu sử dụng rau sạch tại thị trường TPHCM ngày càng lớn. Điều này có thể lý giải vì sao gian hàng của vợ chồng anh Bình (khu vực chợ Văn Thánh) đã bước đầu thành công trong việc phân phối rau sạch. Nhưng vấn đề đặt ra, tại sao việc tổ chức đưa rau sạch theo mô hình chuỗi tại một số chợ lại không thành công? Phải chăng có khúc mắc trong việc cung - cầu hay do ý thức của “người mua, kẻ bán”? Liệu đồng lời mang lại từ việc bán rau sạch có thấp hơn so với bán rau xá hay do việc cung ứng chưa phù hợp với mô hình bán ở chợ? Tại sao sản lượng tiêu thụ rau sạch tại các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi luôn tăng cao? Đây là những vấn đề cần tìm hiểu để giải quyết rốt ráo, thì việc đưa rau sạch vào chợ mới đạt hiệu quả.
| |
THÚY HẢI