RCEP, TPP - Trò chơi kéo co của Mỹ và Trung Quốc

Châu Á - Thái Bình Dương được xem là tương lai của thế kỷ 21 vì những lợi thế về vị trí chiến lược, sự năng động, nguồn vốn, nguồn nhân lực… Với cái mác tương lai ấy, riêng về góc độ kinh tế, khu vực đang hưởng lợi từ việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng vùng này đang “đau đầu” vì mình giống như sợi dây trong trò chơi kéo co giữa các nước lớn trong khu vực.

Châu Á - Thái Bình Dương được xem là tương lai của thế kỷ 21 vì những lợi thế về vị trí chiến lược, sự năng động, nguồn vốn, nguồn nhân lực… Với cái mác tương lai ấy, riêng về góc độ kinh tế, khu vực đang hưởng lợi từ việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng vùng này đang “đau đầu” vì mình giống như sợi dây trong trò chơi kéo co giữa các nước lớn trong khu vực.

Hiện nay, có hai hiệp định tự do thương mại trong khu vực đang chạy đua về đích và căng kéo các nước với những cuộc đàm phán marathon. Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu do các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore ký kết vào 2005, sau đó thêm 8 nước tham gia nhưng giờ do Mỹ cầm chịch, trong đó không có Trung Quốc. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) khởi động nhưng Trung Quốc đang tham gia tích cực hơn bao giờ hết và Mỹ không có trong cuộc chơi này. TPP gồm 12 nước ở hai bờ Thái Bình Dương với tổng GDP năm 2012 là 20.000 tỷ USD, Mỹ đã chiếm 2/3 số này. TPP đặt mục tiêu thiết lập khu vực tự do thương mại và có thể hội nhập kinh tế sâu rộng hơn. RCEP gồm 16 nước, trong đó gồm 10 nước ASEAN và 6 đối tác của mình, đại diện cho 40% thương mại toàn cầu.

Dường như ai cũng hiểu rằng hai hiệp ước tự do thương mại này là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2011, Mỹ tuyên bố xoay trục châu Á, một mặt để khẳng định vị thế chính trị, quân sự trong khu vực, mặt khác để kiềm chế Trung Quốc đang nổi lên. Và giờ đây việc tích cực thúc đẩy TPP được thiết kế chính là để đảm bảo sức mạnh kinh tế của Mỹ được duy trì tại khu vực này. Tuy RCEP bắt đầu khởi động năm nay và mãi đến 2015 mới hoàn tất nhưng Tổng thống Mỹ rất sốt ruột nên hối thúc hoàn tất TPP vào tháng 10 này, nhưng sau đó phải chấp nhận kéo dài đến cuối năm vì những trở ngại sau 19 vòng đàm phán. Trước những động thái của Mỹ đối với TPP và việc RCEP kết thúc muộn hơn TPP, Trung Quốc cũng không thể ngồi yên. Mới đây, ngày 25-10, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Thương mại ASEAN, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương khẳng định Trung Quốc sẵn sàng nâng cấp Hiệp ước tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vốn đã có hiệu lực từ tháng 1-2010.

Nhưng những hiệp định tự do thương mại khu vực không chỉ là sự đối đầu giữa các nền kinh tế lớn. Việc các nước này tích cực tham gia đàm phán tự do thương mại cấp khu vực là muốn bảo vệ lợi ích của mình, sau khi các vòng đàm phán về tự do thương mại toàn cầu đã bế tắc do các nước phát triển không chịu nhượng bộ bảo hộ nông nghiệp. Đàm phán thương mại khu vực với quy mô nhỏ hơn sẽ dễ thương lượng và chắc chắn các nền kinh tế lớn luôn luôn chủ động giành phần thắng. Tại Mỹ, dư luận cũng chỉ trích TPP vì cho rằng hiệp ước được sử dụng để bảo vệ lợi ích và quyền lực thống trị của các tập đoàn kinh tế, vì các nhà đàm phán luôn tham khảo ý kiến của các tập đoàn kinh tế mà không hề công khai trước quốc hội và nhân dân.

Dù Mỹ chọn ASEAN làm tâm xoay trục châu Á, nhưng TPP được cho là “cao cấp” với những tiêu chuẩn tự do toàn bộ hoạt động thương mại mà một số nước ASEAN không thể tham gia. Còn đối với RCEP, hấp dẫn hơn vì vừa sức, nhưng việc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á khiến nhiều nước cũng dè chừng. Vì vậy các quốc gia trong khu vực đang hết sức cân nhắc để tranh thủ những cơ hội lớn và hạn chế thách thức, nhưng đảm bảo không vô tình bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung.

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục