* Mẹ tôi 60 tuổi, bị cao huyết áp, người gầy, nặng 47kg, cao 160 cm, từ nhỏ đến giờ không có thói quen uống sữa, cứ mỗi lần uống sữa bà có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, và có khi bị tiêu chảy. Vậy có cách nào giúp mẹ tôi khắc phục tình trạng này không? Đinh Bát.
- Chào bạn! Sữa là thực phẩm giàu can xi, giàu dưỡng chất, chứa nhiều acid amin thiết yếu, nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết rất bổ dưỡng cho mọi người, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi. Tuy nhiên, ở một số người không hấp thụ được sữa do những nguyên nhân sau:
Hay gặp nhất là bất dung nạp đường lactose, một loại đường sữa: Men lactase đuợc cơ thể tiết ra giúp tiêu hóa đường lactose, tuy nhiên lượng men này có thể giảm dần, đặc biệt là ở người không có thói quen uống sữa từ nhỏ. Hoặc một số trường hợp thiếu men lactase do di truyền, do sử dụng thuốc, do nhiễm trùng, thiếu men lactase thứ phát sau khi bị tiêu chảy, viêm dạ dày ruột, hay do nghiện rượu…
Do dị ứng protein từ sữa bò: Với những triệu chứng đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy. Dị ứng protein từ sữa bò do hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức với protein từ sữa, sản sinh những chất có thể gây nguy hiểm cho cơ thể dù chỉ nạp số lượng ít.
Do bệnh lý ở đường tiêu hóa như viêm đại tràng mạn, hội chứng ruột kích thích làm khó tiêu hóa hấp thu chất béo hoặc thành phần casein có trong sữa.
Một số trường hợp bị viêm loét dạ dày uống sữa vào trung hòa acid gây giảm đau nhưng một số người lại làm tăng co thắt hoặc kích thích niêm mạc dạ dày dẫn đến đau bụng nhiều hơn.
Để khắc phục tình trạng bất dung nạp đường lactose nên tránh dùng sữa hoặc các sản phẩm có đường lactose, hoặc dùng thử sữa với số lượng từng ít một (ít hơn 100ml/ lần) và tăng lên dần để cơ thể quen dần, không uống sữa với dạ dày rỗng, có thể sử dụng các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua… Nếu vẫn không cải thiện có thể thay thế hoàn toàn bằng sữa đậu nành. Với các trường hợp nghi ngờ dị ứng protein từ sữa bò thường đi kèm cơ địa dị ứng, có yếu tố gia đình, nên chọn sữa dê, sữa đậu nành, hoặc sữa bò đã qua xử lý thủy phân một phần hoặc thủy phân hoàn toàn. Nên khám bác sĩ để xác định chẩn đoán và có điều trị thích hợp, nhận được lời khuyên hữu ích cho từng trường hợp cụ thể.
Với người lớn tuổi nên chọn sữa phù hợp với tình trạng sức khỏe. Trường hợp mẹ bạn có thể do không có thói quen uống sữa từ nhỏ, nên các biểu hiện nghi bất dung nạp sữa do thiếu men lactase. Với chiều cao cân nặng như vậy, mẹ bạn hơi gầy, có bệnh nền tăng huyết áp, nên chọn sữa cao năng lượng, có thành phần chủ yếu là đạm đậu nành, không chứa cholesterol là phù hợp nhất, đồng thời uống từng ít một cho cơ thể thích nghi dần, không uống sữa lúc bụng đói, hy vọng sẽ khắc phục tình trạng này.
* Năm nay tôi 57 tuổi, hay bị táo bón, có phải do dùng “sữa nóng” không thưa bác sĩ ? - Trần Thị H.
- “Sữa nóng” hay “sữa mát” chỉ là cách gọi dân gian truyền miệng, trong y học không có khái niệm này bạn nhé. Ở người lớn tuổi, táo bón là một bệnh lý hay gặp do nhiều nguyên nhân:
Sai lầm chế độ ăn uống, thường gặp nhất: Pha sữa đậm đặc, ăn uống quá nhiều đạm, thiếu chất xơ. Đặc biệt người già do giảm chức năng của hệ tiêu hóa, răng yếu, khả năng nhai nuốt hạn chế nên khó khăn trong việc bổ sung chất xơ. Uống ít nước, dùng nhiều thức uống như cà phê, trà đặc, rượu bia, cũng làm nặng thêm tình trạng táo bón.
Do ít hoạt động: Nhiều người không có thói quen tập thể dục, người lớn tuổi hay bị bệnh lý kèm theo như đau xương khớp, các bệnh mạn tính phải nằm lâu...
Do sử dụng thuốc gây táo bón như sắt, dùng thuốc an thần...
Do thói quen đi đại tiện không giờ giấc, quên đại tiện làm mất phản xạ mót rặn.
Ngoài ra, có thể gặp một số nguyên nhân thực thể như: Khối u tại đường tiêu hóa, khối u từ bên ngoài đè vào làm cản trở đường đi của phân, bệnh lý bẩm sinh đại tràng, trực tràng, tổn thương hậu môn trực tràng như nứt hậu môn, trĩ, hẹp trực tràng…
Để phòng tránh táo bón, cần biết nguyên nhân và khắc phục, nên chọn lựa sữa phù hợp tình trạng cơ thể, có tăng cuờng chất xơ. Bên cạnh cần chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo đủ chất xơ, nên ăn các loại hạt nguyên vỏ, nguyên cám, ăn nhiều rau xanh và củ quả có tính nhuận tràng như rau lang, mồng tơi, rau dền, khoai lang, bí đỏ, chuối tiêu, đu đủ, bưởi, cam, quýt, thanh long... uống đủ nước, vận động phù hợp độ tuổi, tập thói quen đi vệ sinh mỗi ngày và khám bệnh tìm nguyên nhân nếu táo bón kéo dài hoặc phát hiện có bất thường đường tiêu hóa.
BS CK1 Hoàng Hồ Thống Nhất
Chuyên gia Tư vấn Dinh dưỡng NutiFood
|