Rối rắm đấu thầu thuốc tập trung

Các bệnh viện công trên khắp cả nước đang chạy nước rút đấu thầu cung ứng thuốc điều trị cho năm 2011. Thế nhưng, những ngày qua, Sở Y tế cũng như một số bệnh viện công ở một số địa phương vẫn bối rối vì không biết tự tổ chức đấu thầu theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 10) hay theo chỉ đạo thí điểm đấu thầu tập trung của bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, Bộ Y tế lại bác bỏ chỉ đạo của BHXH và yêu cầu vẫn đấu thầu như cũ!
Rối rắm đấu thầu thuốc tập trung

Các bệnh viện công trên khắp cả nước đang chạy nước rút đấu thầu cung ứng thuốc điều trị cho năm 2011. Thế nhưng, những ngày qua, Sở Y tế cũng như một số bệnh viện công ở một số địa phương vẫn bối rối vì không biết tự tổ chức đấu thầu theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 10) hay theo chỉ đạo thí điểm đấu thầu tập trung của bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, Bộ Y tế lại bác bỏ chỉ đạo của BHXH và yêu cầu vẫn đấu thầu như cũ!

  • Bên bảo làm, bên nói không

Một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết hiện sở rất lúng túng chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc cho năm 2011: “Đáng lẽ mọi năm đã tổ chức đấu thầu xong từ tháng 10 nhưng mới đây, Sở Y tế nhận được công văn của BHXH yêu cầu xem xét lại cách thức đấu thầu, không áp dụng Thông tư 10 nữa”.

Nhiều bệnh viện công đang lúng túng không biết đấu thầu cung ứng thuốc năm 2011 thế nào? (Ảnh: Mua thuốc tại BV Nhi đồng 2 TPHCM).Ảnh: Tg.LÂM
Nhiều bệnh viện công đang lúng túng không biết đấu thầu cung ứng thuốc năm 2011 thế nào? (Ảnh: Mua thuốc tại BV Nhi đồng 2 TPHCM).Ảnh: Tg.LÂM

Tương tự, Sở Y tế một số tỉnh khác cũng cho biết mặc dù đã nhận được chỉ đạo của BHXH nhưng họ vẫn đắn đo triển khai. Chính vì vậy mà không ít bệnh viện công cứ lần lữa mãi với các công ty dược. Rút cuộc đã gần hết năm 2010 nhưng thuốc cho năm 2011 vẫn chưa đấu thầu được. Tuy nhiên, một số bệnh viện do bức xúc về nhu cầu điều trị nên vẫn cứ triển khai đấu thầu theo Thông tư 10, còn sau đó, BHXH có thanh toán hay không thì tính sau. Trong khi đó, một vài bệnh viện cho rằng BHXH sẽ thanh toán chi phí thuốc điều trị nên cứ đợi hướng dẫn của cơ quan này.

Trước đó, xét thấy những bất cập của công tác đấu thầu thuốc theo kiểu “tự biên tự diễn” mà Thông tư 10 đã ban hành, BHXH Việt Nam đã có các công văn số 3093 ngày 26-7-2010 và số 3170 ngày 30-7-2010 yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp với Sở Y tế một số địa phương thí điểm triển khai đấu thầu, cung ứng thuốc, thanh toán chi phí thuốc tập trung và trực tiếp cho đơn vị cung ứng.

Như vậy, với 2 công văn trên, bệnh viện công không còn được tự lập hội đồng đấu thầu thuốc nữa mà danh mục thuốc sẽ được Sở Y tế tập hợp lại. Sau đó, các bệnh viện sẽ được Hội đồng đấu thầu cấp sở đứng ra duyệt đấu thầu tập trung. Theo một lãnh đạo BHXH, phương thức này hạn chế tiêu cực trong đấu thầu thuốc vốn tồn tại từ nhiều năm qua. Đặc biệt, tránh được tình trạng cùng một loại thuốc nhưng mỗi bệnh viện lại trúng thầu mỗi giá khác nhau, gây thiệt thòi cho người bệnh.

Tuy nhiên, trước chỉ đạo của BHXH, Bộ Y tế đã phản ứng quyết liệt và bác bỏ thí điểm đấu thầu tập trung. Theo một lãnh đạo Bộ Y tế, chỉ đạo của BHXH Việt Nam chưa đúng với quy định hiện hành. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cũng vừa có công văn gửi BHXH Việt Nam đề nghị đơn vị này chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP thực hiện đấu thầu, cung ứng thuốc cũng như việc tạm ứng, thanh quyết toán chi phí BHYT theo đúng quy định hiện hành.

Theo công văn của Bộ Y tế, thời gian qua, bộ đã nhận được ý kiến phản ánh của một số Sở Y tế các địa phương về việc triển khai thí điểm đấu thầu, cung ứng thuốc, thanh toán chi phí thuốc tập trung và trực tiếp cho đơn vị cung ứng theo các công văn chỉ đạo của BHXH. Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính vào cuối tháng 10-2010, Bộ Y tế cho rằng Thông tư 10 vẫn phù hợp với thực tế (?!)

  • Biết bất cập nhưng vẫn dây dưa

Việc đấu thầu, cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đang thực hiện theo Thông tư 10 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập. Theo quy định này, các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức đấu thầu mua thuốc, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu theo yêu cầu điều trị của các đối tượng người bệnh, kể cả người bệnh BHYT.

Thế nhưng, thực tế từ 3 năm qua cho thấy thông tư này đã bộc lộ không ít bất cập tạo ra những kẽ hở tiêu cực và bất bất bình đẳng cho người bệnh. Đặc biệt, mỗi nơi đấu thầu mỗi kiểu khiến giá thuốc vô cùng bất hợp lý. Chẳng hạn kết quả đấu thầu thuốc vào các bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế năm 2009 cho thấy có hơn 12.000 loại thuốc đã được trúng thầu. Trong đó thuốc nội tập trung vào các loại thông thường như giảm đau, hạ nhiệt, kháng sinh, kháng viêm. Còn những loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị với giá trị lớn đều có xuất xứ từ nước ngoài.

Điều đáng nói, có cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất, hàm lượng và nhà sản xuất nhưng kết quả đấu thầu vào mỗi bệnh viện lại có mỗi giá khác nhau. Chẳng hạn thuốc Glucarbose 50mg (điều trị bệnh đái tháo đường), có tên hoạt chất Acarbose và hàm lượng 50mg, cùng quy cách là hộp 3 vỉ x 10 viên được Công ty dược Mebiphar sản xuất trúng thầu vào BV Bạch Mai với giá 2.200 đồng, nhưng trúng thầu vào BV Chợ Rẫy lại có giá 2.100 đồng và trúng thầu BV Hữu Nghị chỉ 1.980 đồng. Hay như thuốc Tanganil 500mg (trị chóng mặt do tăng huyết áp) loại hộp 5 ống do Công ty Piere (Pháp) sản xuất trúng thầu vào BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên là 12.704 đồng, trúng thầu vào BV C Đà Nẵng là 12.409 đồng và BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam là 12.645 đồng… Tìm hiểu cho thấy còn hàng loạt loại thuốc khác cùng hoạt chất, hàm lượng, quy cách, nhà sản xuất nhưng khi đấu thầu vào mỗi cơ sở y tế lại có những giá khác nhau…

Qua tìm hiểu với gần 20 bệnh viện công lập trực thuộc Bộ Y tế trúng thầu giá thuốc năm 2009 cho thấy hầu như mỗi bệnh viện trúng thầu mỗi kiểu khác nhau. Có loại thuốc trong nước sản xuất được, có hoạt chất tương đương lại đi mua thuốc của nước ngoài hoặc cùng loại thuốc, hoạt chất nhưng giá thuốc trúng thầu của thuốc ngoại lại cao gấp nhiều lần thuốc nội…

Qua đó cho thấy, Thông tư 10 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập đã lộ rõ những hạn chế. Tại cuộc họp với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây, BS Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc BV Bình Dân TPHCM, thẳng thắn nói việc đấu thầu cung ứng thuốc vào bệnh viện công lập theo Thông tư 10 đã lạc hậu. Việc thiếu những tiêu chuẩn kỹ thuật chung về chất lượng thuốc, thiếu yếu tố lý tính để lựa chọn khiến giá cả cũng trở nên chênh vênh. Hay như giám đốc Sở Y tế một địa phương nói chưa có chuẩn chung để bệnh viện lựa chọn mặt hàng thuốc nào là tối ưu về chất lượng và giá cả cho bệnh nhân. Cùng một loại thuốc nhưng có hàng chục nơi sản xuất khác nhau và giá cả cũng khác nhau. Còn lãnh đạo một công ty dược băn khoăn vì đấu thầu theo Thông tư 10 thì bệnh viện nắm đằng chuôi, còn nhà cung cấp nắm đằng lưỡi, bệnh viện muốn ai trúng thầu thì trúng…

Trước những bất cập mà dư luận phản ánh, một đề xuất đấu thầu thuốc tập trung quốc gia cho các bệnh viện công lập đã được đặt ra nhưng đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có động thái hưởng ứng

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục