
Từ vở kịch ngắn Romeo – Juliet không trẻ mãi của cố tác giả Lưu Quang Vũ, được sự đồng ý của gia đình tác giả, nữ đạo diễn Ái Như đã phát triển thành vở kịch dài cùng tên, chuẩn bị công diễn trên sân khấu Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.
Chuyện của Romeo – Juliet không trẻ mãi

Thực ra, câu chuyện của Romeo – Juliet không trẻ mãi của cố tác giả Lưu Quang Vũ chỉ có bốn nhân vật và cũng không xa lạ với công chúng thành phố, bởi vở diễn này từng được đạo diễn Hùng Lâm dàn dựng và được công diễn vào những năm 1990.
Nhưng nay, Romeo – Juliet không trẻ mãi được làm mới, nữ đạo diễn Ái Như đưa vào vở diễn khá nhiều tình tiết mới, những chuyện hậu trường của sân khấu mà chỉ có người trong cuộc mới tường tận. Chính vì thế mà vở diễn càng thêm tươi mới, mang hơi thở cuộc sống hôm nay.
Khi xem vở diễn này, phần nào công chúng sẽ hiểu thêm “cuộc chiến” của các nghệ sĩ như thế nào để có một tác phẩm sân khấu ra đời.
Ở đó thấp thoáng hình ảnh của một ngôi sao Tuyết Thơ lúc nào cũng cháy bỏng một tình yêu nghệ thuật; một cô Ái Tư chăm lo phục trang cho anh em diễn viên giàu tình cảm; một đạo diễn Thành Thục nhiệt huyết với nghề, hết lòng với những người trẻ… và cả những chuyện “xung đột” của anh em diễn viên với nhau, ganh tỵ vai diễn, tập tuồng không đúng giờ giấc…
Tuy nhiên, câu chuyện của Romeo – Juliet không trẻ mãi chẳng phải người trong nghề “vạch áo cho người xem lưng” mà qua đó ẩn chứa nhiều điều phải suy ngẫm…
Ái Như gửi gắm điều gì?

Khi xem Romeo – Juliet không trẻ mãi của đạo diễn Ái Như, người viết bài này chợt nhận ra những điều trăn trở của chị, cũng như của nhiều đạo diễn, nghệ sĩ khác từng tâm sự về “Thực trạng diễn viên trẻ hiện nay” được chị chuyển tải vào vở diễn, làm cho vở kịch càng mang tính thời sự hơn.
Đó là chuyện hời hợt của diễn viên trẻ trên sàn tập; chạy show đóng phim quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng vai diễn – vở diễn… và điều đáng lo ngại hơn hết là hiện nay không ít diễn viên trẻ luôn nôn nóng, không chịu trui rèn mà chỉ ước muốn làm sao nhanh chóng vươn tới… một ngôi sao! Chính những điều này vô hình trung, tự làm khó mình, tự biến mình thành “thợ diễn” không hồn trên sân khấu.
Điển hình cho những diễn viên trẻ như thế là nhân vật Sao Mai trong vở diễn Romeo – Juliet không trẻ mãi. Sao Mai suốt ngày cứ bù đầu với chuyện chạy show đóng phim, không dành thời gian đầu tư, đào sâu tìm hiểu tâm lý nhân vật. Cho đến khi được đạo diễn Thành Thục giao vai Juliet, trên sàn tập, Sao Mai mới chợt nhận ra đầu óc mình quá trống rỗng, mình diễn nhợt nhạt vô hồn, chẳng có một chút tâm lý…
Cũng may, bên cạnh cô có được những người anh, người chị đi trước khuyên nhủ, chỉ dạy, truyền cho cô ngọn lửa đam mê, giúp cô nhận ra đâu là giá trị đích thực của người nghệ sĩ. Cái hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ mà những người khác không có được, đó là được thể hiện nhiều nhân vật, được đắm mình, được phiêu lưu trong nhiều vai diễn với bao cung bậc của niềm vui, nỗi buồn…
Có thể nói, qua Romeo – Juliet không trẻ mãi đạo diễn Ái Như như gửi một thông điệp đến các diễn viên trẻ của sân khấu hôm nay: “Muốn thành công, không có con đường nào khác ngoài học hỏi, khổ luyện và biết say mê công việc”. Nhưng xem ra, cái thông điệp này đâu chỉ dành riêng cho những người trẻ của sân khấu mà kể cả các ngành nghề khác cũng rất cần đến.
* Vở diễn có sự góp mặt của NSƯT Thành Hội, nghệ sĩ Tuyết Thu, Ái Như, Tuyết Mai, Kim Phước, Thế Sơn, Ngọc Tưởng…
Đỗ Hạnh (SGGP 12G)