
Còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Hiện nay các nhà vườn tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang hối hả chăm sóc những công đoạn cuối để chuẩn bị phục vụ thị trường hoa tết.
Đa dạng chủng loại
Vụ hoa Tết Bính Thân 2016, các nhà vườn tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận đã xuống giống hơn 2.000ha các loại hoa. Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, địa phương này có 976ha hoa các loại phục vụ nhu cầu thị trường, tăng hơn 50ha so với vụ tết năm 2015. Trong đó, nhiều nhất là cúc cắt cành với 495ha, các loài hoa vốn được thị trường ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán cũng được trồng với số lượng lớn như hoa cát tường, đồng tiền, cẩm chướng, salem. Riêng hoa lily, tính trên toàn tỉnh Lâm Đồng có 102ha (Đà Lạt 77ha), tương ứng 26 triệu cành, tăng 30% so với vụ tết năm trước. Tại vựa hoa lay-ơn lớn nhất cả nước (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), năm nay các nông hộ vẫn duy trì ổn định diện tích khoảng 350ha cho vụ tết. Thời điểm hiện tại, những hàng xe tải nối dài trên quốc lộ 20 đang nằm chờ hoa “lên thùng” để tỏa đi khắp nơi.

Đóng gói hoa lily bán dịp tết
Cùng với hoa cắt cành, năm nay, nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân và doanh nghiệp trồng hoa lớn tại Đà Lạt cũng chuẩn bị số lượng lớn hoa trồng trong chậu. Ông Huỳnh Quốc Dũng, Phó giám đốc Công ty Sinh học rừng hoa Đà Lạt, cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa ra thị trường tết 200.000 chậu lily, tăng 30% so với cùng thời điểm năm trước, đồng thời cũng cung cấp 1,5 triệu cành lily với khoảng 20 loại khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng”. Còn gia đình bà Lương Thị Hồng Chung (phường 12, TP Đà Lạt) trồng toàn bộ 30.000 củ lily trong 10.000 chậu, bà Chung cho biết: “Hoa trồng trong chậu chi phí cao hơn một chút nhưng hoa có thể thu hoạch sớm, quá trình vận chuyển, lưu giữ được lâu hơn”. Bên cạnh đó, gia đình bà còn trồng 8.000 chậu hoa đồng tiền để “phòng” khi lily rớt giá còn có nguồn thu khác trong vụ tết.
Khó dự báo giá cả
Theo những nhà nông trồng hoa lâu năm tại TP Đà Lạt, năm nay thời tiết bất thường, một số loại hoa có nhiều biến động về diện tích nên giá sẽ khó có thể dự báo trước. Riêng dòng hoa cao cấp địa lan đã giảm một nửa diện tích so với năm 2015, xuống còn 30ha. Ông Đoàn Văn Quỳnh (chủ vườn lan Anh Quỳnh, TP Đà Lạt) nhận định: “Giá hoa địa lan hiện thấp hơn cùng thời điểm năm trước một chút nhưng mức tiêu thụ vẫn ổn định, với giá hiện tại dao động từ 500.000 - 1 triệu đồng/cành địa lan tùy loại. Trong đó, địa lan Cam lửa 500.000 - 600.000 đồng/cành, Xanh 207 giá 500.000 đồng/cành, Vàng chanh 800.000 đồng/cành, Vàng New Zealand 800.000 - 1 triệu đồng/cành”. Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, không riêng địa lan, bất cứ loại hoa nào cũng sẽ có nhiều biến động về giá, đặc biệt vào thời điểm cận tết. Các loại hoa trồng ở Đà Lạt đã nổi tiếng cả nước, vùng khác cũng có thể trồng được nhưng chất lượng và hình thức không thể bằng, nếu nguồn cung tại Đà Lạt không đủ thì giá sẽ tăng. Riêng gia đình ông, năm nay vẫn ổn định 6.000m2 trồng địa lan, tương đương khoảng 3.000 cành. Thời điểm cuối tháng 11 Âm lịch, các mối quen từ Hà Nội, Hải Phòng đã đặt trước 20% số hoa trong vườn.
Còn ông Trương Công Sơn (làng hoa Thái Phiên, TP Đà Lạt) cho rằng: “Thời điểm trước tết 2 đến 3 tuần, giá lily vẫn ổn định từ 50.000 - 60.000 đồng/bó, nhưng cận tết giá có thể tăng gấp 3-4 lần, phần lớn người trồng không quyết định được giá hoa, mà do thị trường quyết định. Giáp tết năm ngoái, giá lily tại vườn từ 160.000 - 180.000 đồng/bó (5 cành), dự báo năm nay có thể bằng hoặc thấp hơn một chút do diện tích trong dân tăng cao”. Trong khi đó, nông dân Trần Văn Kim (làng hoa Xuân Thành, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) cho biết, dù chưa cận tết nhưng giá hoa cát tường giảm mạnh, chỉ còn 20.000 đồng/kg, chưa bằng một nửa năm trước. Hoa cẩm chướng hiện cũng thấp hơn mùa trước, còn 30.000 đồng/bó (20 cành)...
Thời điểm hiện tại, thời tiết nóng bất thường cũng khiến nhiều nhà vườn trồng hoa tại Đà Lạt đứng ngồi không yên và phải dùng các biện pháp che chắn, làm chậm quá trình sinh trưởng của hoa. Theo nhận định của nhiều người trồng hoa, nếu tình trạng nắng tiếp tục kéo dài thì nhiều diện tích hoa Đà Lạt sẽ đua nhau nở trước tết, khi đó hoa bắt buộc phải bán sớm, rớt giá là điều khó tránh. “Mình có thể tính toán được số ngày từ khi gieo tới khi thu hoạch nhưng về thời tiết thì không biết trước được. Năm nay nắng ấm kéo dài, chúng tôi phải kéo lưới đen để hạn chế nhiệt độ nhằm “kìm” tốc độ sinh trưởng để hoa ra đúng dịp 1 tuần trước tết”, nhà nông Nguyễn Hữu Dũng (phường 12, TP Đà Lạt) tâm sự.
ĐOÀN KIÊN