Nơi đây chính là Nhà việc xã Thường Thạnh và Sở chỉ huy quân Pháp vào thời điểm diễn ra trận đánh oai hùng đó. 70 năm, cuồn cuộn chảy mãi mạch ngầm…
Tiếng vang
“Đất kháng chiến Lê Bình xung trận/Phất cao cờ vẫy gọi tiến lên/Bưng biền thành thị đua chen/Tầm vông xông tới rửa hờn ngàn thu”, đó là những câu thơ của tác giả Phạm Duy Khương được đóng khung, treo trang trọng trong Nhà truyền thống của quận Cái Răng (TP Cần Thơ). Trong khu nhà gạch khá vuông vức, một trệt một lầu kiến trúc Pháp này có bàn thờ, tượng đồng toàn thân Lê Bình, Trưởng Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ. Ngoài sân là cụm tượng, bia kỷ niệm ghi đầy đủ tên của 5 liệt sĩ trong trận đánh cảm tử ngày 12-11-1945. Khu nhà này, 70 năm trước chính là Nhà việc xã Thường Thạnh và là Sở chỉ huy quân Pháp vào thời điểm diễn ra trận đánh oai hùng đó. Đó cũng là trận tập kích đầu tiên vào đầu não chỉ huy quân Pháp của cả Nam bộ.
Đổi thay ở phường Lê Bình
Chỉ hơn 10 ngày sau khi Pháp đánh chiếm thị xã Cần Thơ, một bộ chỉ huy của Phá bị “hóa trang kỳ tập”, đập nát. Quan ba Rouen, chỉ huy bị thương nặng cùng hơn 20 lính vừa chết vừa bị thương. “Mặt trận Cái Răng do những thanh niên Việt Nam - rất trẻ - chỉ huy. Với những khẩu súng tầm thường, họ xung phong quả cảm; không nao núng trước hàng loạt đạn liên thanh của chúng tôi... Một người thanh niên vượt qua khỏi làn đạn, anh ta xông lên hạ cờ ba sắc và treo cờ đỏ sao vàng lên”, quan ba Rouen sau này nhận xét.
Trận đánh gây tiếng vang lớn trong cả nước. 8 ngày sau (20-11-1945), trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị khen thưởng 5 chiến sĩ anh dũng hy sinh trong trận đánh Cái Răng.
Năm 2010, Đội cảm tử quân thuộc Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trước đó, ông Lê Bình cũng vinh dự được nhận danh hiệu cao quý đó. 5 liệt sĩ, tuổi mới đôi mươi quê ở khắp Bắc - Trung - Nam: Lê Bình quê tận Hà Tĩnh, Trần Chiên (Hà Nội); Bùi Quang Trinh (An Giang); Lê Nhựt Tảo, Cao Minh Lộc (cùng quê Cần Thơ).
Chợ mới Lê Bình
Nhà việc xã Thường Thạnh bây giờ là nơi làm việc của Trung tâm du lịch, phòng truyền thống và Thư viện quận Cái Răng. Toàn bộ ngôi nhà đã được nâng cấp nhưng vẫn giữ nét kiến trúc xưa với bao lam, hệ thống cửa, cầu thang uốn… Lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trước gió. Chợ Cái Răng sôi động trên địa bàn phường Lê Bình (nên còn gọi chợ Lê Bình), ngôi chợ lớn nhất quận Cái Răng.
Chợ Cái Răng trước đây lớn lắm, nối sang cả đường Vòng Cung. Nơi đây từng là trung tâm lúa gạo của Nam Kỳ, chỉ đứng sau Chợ Lớn. Gạo Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá theo kênh xáng Xà No đều đi qua đây đổ về Chợ Lớn. Một loạt chành lớn (nơi trữ gạo) xuất hiện, bỏ vốn cho hàng xáo mua lúa, đợi có giá mới bán. Lớn nhất là chành Lâm Chi Phát, trùm lúa gạo miền Tây.
70 năm khung cảnh thay đổi như mơ. Cây cầu sắt Cái Răng được thay bằng cầu bê tông rộng mênh mang. Chợ Cái Răng khang trang nằm ngay dốc cầu, được nâng cấp năm 2013; có trung tâm thương mại 1 trệt 1 lầu. 365 hộ tiểu thương bán đủ hoa tươi, trái cây, quần áo, thực phẩm, xe máy, vàng bạc... 16 vựa trái cây, nông sản lớn “đánh hàng” ra tận miền Trung, miền Bắc... Ngôi chợ truyền thống này ngồn ngộn sản vật miệt vườn, vẫn còn những món ăn danh tiếng ngày trước như nem Cái Răng vuông vức đầy đặn, chén tàu hủ nguyên chất thơm nức mùi gừng…
Phường văn hóa Lê Bình hiện là trung tâm kinh tế - văn hóa của quận Cái Răng. Đường sá nhựa hóa muốn hết, chạy vô từng hẻm nhỏ. Con đường nối sang phường Ba Láng dài hơn 300m, rộng 2,5m hoàn thành dịp 30-4 năm ngoái là con đường cuối cùng được đổ bê tông. “Đất nông nghiệp không còn, đô thị hóa hết rồi. Thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, toàn phường có đến hơn 1.400 cơ sở kinh doanh, sản xuất. Thu nhập đầu người năm rồi đạt trên 35 triệu đồng/người/năm...”, ông Nguyễn Phước Đạt, Phó Bí thư Đảng ủy phường Lê Bình nói vậy.
Mạch ngầm
Ông Trần Hữu Nghi, đội viên Quốc gia Tự vệ cuộc Cần Thơ cũng có mặt trong trận “hóa trang kỳ tập” năm đó. Và cũng từng cùng với các ông Lê Bình, Dương Tân... kéo cờ đỏ sao vàng trên nóc trụ sở cảnh sát quận Tân Bình (Sài Gòn) chiều tối 24-8-1945. Mỗi lần về Cần Thơ dự hội thảo, ông thường nhắc đến những đồng đội xưa và hai nữ trinh sát quả cảm Nguyễn Thị Nhung, Lê Thị Ánh Nguyệt có công lớn trong trận đánh đó. Và cả Trần Ngọc Len, Nguyễn Văn Phấn, Lê Văn Thừa… những du kích bị thương khi tham gia trận đánh và bị giặc Pháp đưa ra cầu Cái Răng xả súng hất xác xuống sông.
“Có lần khi nghe kể về việc đồng chí Lê Bình hy sinh sau khi treo lá cờ đỏ sao vàng trong trận đánh, nhiều em đã không cầm được nước mắt khi biết việc chưa tìm được hài cốt các chiến sĩ đã hy sinh…”, anh Trương Tấn Hoài Nam, cán bộ Trung tâm Du lịch quận Cái Răng nhớ lại.
Ở quận Cái Răng có những ngôi trường, con đường mang tên Lê Bình. Rồi cả đường Trần Chiên, Nhựt Tảo... 70 năm, cuồn cuộn chảy mãi một mạch ngầm.
VŨ THỐNG NHẤT