Rửa mũi đúng cách giúp giảm các triệu chứng khó chịu trong viêm mũi dị ứng, viêm xoang

Rửa mũi đúng cách giúp giảm các triệu chứng khó chịu trong viêm mũi dị ứng, viêm xoang

Bạn đọc Yến (nữ, 26 tuổi, TPHCM): Bác sĩ cho em hỏi nên rửa mũi bằng bình rửa bao nhiêu lần 1 ngày và rửa mũi hằng ngày có gây tác hại gì không? Em bị viêm xoang, gần đây thời tiết chuyển mùa, thường xuyên bị nhức đầu, chảy dịch xanh mũi sau. Rửa mũi xong em thấy đỡ nhưng chừng 2-3 tiếng sau lại nhức đầu nên em rửa mũi liên tục. Chỉ sợ có gây tổn thương gì trong mũi không. Ngoài ra, dùng bình rửa, bình xịt vệ sinh thì khác nhau như thế nào? Nhờ bác sĩ hướng dẫn giúp em cách vệ sinh mũi đúng cách.

Bác sĩ cho em hỏi thêm, viên ngậm dorithricin liều dùng như thế nào và ngậm mỗi khi họng đau có đúng không?

ThS-BS-CKII Lê Nhật Vinh – Phụ trách khoa Liên Chuyên khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:

Chào chị, bác sĩ Vinh xin lần lượt giải đáp các câu hỏi của chị như sau:

1) Rửa mũi liên tục bằng nước muối sinh lý, tần suất 2 - 3 lần/ngày có gây tổn thương mũi hay không?

    Mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với nhiều bụi bẩn chứa tác nhân gây bệnh về đường hô hấp. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là phương pháp vệ sinh hiệu quả giúp loại bỏ vi khuẩn, giảm tình trạng ứ đọng dịch nhầy và các tình trạng khó chịu ở mũi đối với người bị viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang.

    Tuy nhiên, việc rửa mũi cần được thực hiện đúng tần suất và đúng cách để mang lại hiệu quả, tránh xảy ra tình trạng không mong muốn.

    Tần suất rửa mũi:

    • Đối với người bệnh viêm xoang cấp hoặc nghẹt mũi: Nên rửa mũi từ 2-3 lần/ngày và 1 lần/ngày khi các triệu chứng đã thuyên giảm.
    • Đối với người tiếp xúc với môi trường bụi bẩn: Nên rửa 1 lần/ngày sau khi về nhà để loại bỏ các bụi bẩn, vi khuẩn, ngăn ngừa nguyên nhân gây bệnh.

    Lưu ý: Việc rửa mũi với tần suất nhiều lần 1 ngày trong thời gian dài, có thể gây khô và tổn thương lớp nhầy bảo vệ niêm mạc mũi, làm mất đi hệ miễn dịch tự nhiên của xoang mũi, khiến các loại vi khuẩn hay nấm từ bên ngoài xâm nhập vào mũi dễ dàng hơn. Thêm vào đó, thao tác rửa mũi không đúng cách khiến nước tràn vào tai/vòi nhĩ hoặc hỉ mũi quá mạnh có thể gây viêm tai giữa.

    Quan trọng rằng, việc rửa mũi chỉ là một phương pháp vệ sinh, không phải là phương pháp điều trị nguyên nhân gây bệnh.

    Lời khuyên từ bác sĩ: Đối với tình trạng của chị Yến sau khi rửa mũi nhưng chỉ 2-3 tiếng sau lại nhức đầu cho thấy việc rửa mũi hiện tại chỉ giúp giảm nhẹ tạm thời các triệu chứng nhưng không giải quyết triệt để tình trạng viêm xoang. Tình trạng tái phát sau khi rửa mũi liên tục của chị có thể do niêm mạc mũi của chị bị tổn thương hoặc tình trạng viêm xoang của chị đang tiến triển nặng. Vì vậy, chị nên thăm khám chuyên khoa Tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp, thay vì chỉ xử lý triệu chứng tạm thời bằng cách rửa mũi liên tục như hiện tại.

    Hướng dẫn rửa mũi đúng cách:

    Để đảm bảo an toàn hệ miễn dịch tự nhiên của xoang mũi, bác sĩ Vinh khuyến nghị thực hiện rửa mũi theo các bước sau:

    1. Chuẩn bị:
    • Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) vô trùng, nhiệt độ ấm (30 - 37 độ C);
    • Chứa nước muối bằng bình đựng loại bóp tay hoặc bình xịt phun sương;
    • Rửa tay và vệ sinh bình sạch sẽ trước khi dùng.

    2. Thực hiện:

    • Đứng trước chậu/bồn rửa, đầu cúi nhẹ, nghiêng 30 độ, tránh ngửa đầu ra sau để nước không chảy vào tai hoặc họng;
    • Đưa vòi bình vào một bên mũi, mở miệng và thở bằng miệng (không thở bằng mũi);
    • Với bình rửa: Bóp nhẹ để nước muối chảy từ một bên mũi sang bên kia, thoát ra ngoài;
    • Với bình xịt: Xịt từ từ để dung dịch bám lên niêm mạc mũi.

    3. Sau khi rửa:

    • Xì mũi nhẹ nhàng từng bên để đẩy dịch nhầy còn sót ra ngoài;
    • Nếu mũi chưa thông thoáng, lặp lại quy trình một lần nữa;
    • Vệ sinh bình sạch sẽ, để khô tự nhiên, tránh nhiễm khuẩn.

    2) Sự khác biệt giữa bình rửa mũi và bình xịt mũi:

    Bình rửa mũi:

    Bình rửa mũi sử dụng bình nhựa dung tích từ 240ml trở lên, được thiết kế với vòi lớn để tạo dòng chảy mạnh mẽ. Khi sử dụng, người dùng nhẹ nhàng bóp bình, tạo áp lực đẩy dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) vào một bên mũi, cuốn trôi bụi bẩn, vi khuẩn và dịch nhầy thoát ra qua bên mũi còn lại. Phương pháp này tập trung làm sạch sâu khoang mũi, hỗ trợ đường thở thông thoáng, mang lại cảm giác dễ chịu. Người dùng có thể sử dụng hàng ngày để duy trì vệ sinh mũi, nhưng nên dùng đúng chỉ định để tránh làm khô hoặc tổn thương niêm mạc mũi.

    Bình xịt mũi:

    Người dùng sử dụng một lọ xịt nhỏ gọn, được trang bị vòi phun sương. Khi xịt, các hạt dung dịch được phân tán vào khoang mũi, bám đều lên niêm mạc, góp phần làm loãng dịch nhầy trong mũi, hỗ trợ cho quá trình thanh thải của lớp niêm mạc lông chuyển ở mũi xoang.

    2) Viên ngậm dorithricin liều dùng như thế nào và ngậm mỗi khi họng đau có đúng không?

    Đối với câu hỏi về viên ngậm Dorithricin, bác sĩ xin trả lời về công dụng và liều dùng phù hợp như sau:

    • Về công dụng: Viên ngậm Dorithricin chứa hoạt chất kháng khuẩn và gây tê nhẹ, giúp giảm đau họng, sát khuẩn vùng hầu họng, phù hợp với các trường hợp viêm họng nhẹ, ngứa rát họng.
    • Về liều dùng: Đối với người lớn và trẻ em trên 6 tuổi nên ngậm 1-2 viên/lần, không quá 8 viên/ngày và khoảng thời gian giữa các viên là 2-3 giờ. Lưu ý, không nên nhai hoặc nuốt.

    Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau họng kéo dài trên 2-3 ngày hoặc kèm sốt, khó nuốt, sưng amidan… người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám chuyên sâu, tránh bệnh diễn tiến nặng.

    Tin cùng chuyên mục