Vụ một số đối tượng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc huy động vốn bằng đồng tiền điện tử Bitcoin vào Quỹ đầu tư tài chính Pimfund là ví dụ điển hình.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy từ tháng 2-2017, Nguyễn Trung Hiếu tham gia đầu tư vào Quỹ đầu tư tài chính Pimfund. Đây là quỹ do một cá nhân người Mỹ gốc Việt có tên David Phạm lập ra, sàn giao dịch tài chính của quỹ là hình thức gửi tiền tiết kiệm với mức lãi suất cao. Lãi suất hưởng tùy thuộc vào số tiền gửi và thời hạn gửi. Việc giao dịch, gửi tiền vào quỹ này được thực hiện thông qua việc chuyển khoản đồng tiền điện tử Bitcoin vào ví điện tử Bitcoin. Số tiền này sẽ được quy đổi thành đồng USD theo các gói đầu tư 1.000USD, 2.500USD và 50.000USD. Sau khi tham gia đầu tư tài chính trên pimfund.com (website của Quỹ Pimfund), Hiếu mở rộng thị trường huy động vốn bằng cách đăng tin trên trang mạng xã hội Zalo để mời khách hàng cùng tham khảo đầu tư vào quỹ này. Khi nhà đầu tư đồng ý, Hiếu bán đồng tiền điện tử Bitcoin cho họ để tham gia tạo tài khoản gói đầu tư trên Quỹ Pimfund, hoặc tự tạo tài khoản cho khách hàng rồi nạp Bitcoin vào các tài khoản này. Ngoài Hiếu, cơ quan điều tra xác định một số đối tượng khác cũng kêu gọi khách hàng tham gia đầu tư vào Quỹ Pimfund. Sau một thời gian, tiền đã nộp nhưng không nhận được lợi nhuận như lời hứa hẹn, khách hàng đành gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra.
Đây là một trong nhiều vụ việc có dấu hiệu lừa đảo bằng việc huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp qua tiền kỹ thuật số (gồm Bitcoin và một số loại “tiền ảo” khác). Vào cuối năm 2017, hàng trăm người dân tại tỉnh Bắc Giang đã “sập bẫy” mạng lưới đa cấp kinh doanh tiền ảo Alos Coin (viết tắt AOC) do các đối tượng lừa đảo dựng lên, không chỉ tan vỡ giấc mơ thoát nghèo nhanh chóng với lãi suất siêu khủng (0,5%/ngày, thậm chí 180%/năm, sau 6 tháng có thể rút tiền gốc), hưởng hoa hồng cao khi mời gọi được nhiều người tham gia mua tiền ảo, mà còn mất hết số tiền cả đời dành dụm hoặc đi vay mượn. Tháng 4-2018, hàng chục người kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech ở quận 1 tố cáo bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Những người sáng lập công ty này đã mời gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan, Pincoin giống như một loại cổ phiếu có giá trị với giá 1,6 - 2,6USD/iFan, đồng thời cam kết trả lợi nhuận đầu tư tới 48%/tháng. Nếu mời được người khác tham gia, nhà đầu tư sẽ hưởng thêm hoa hồng 8%. Lóa mắt trước “bánh vẽ”, khoảng 32.000 người chơi đã bỏ ra 15.000 tỷ đồng vào mô hình tiền ảo này. Mới đây nhất, nhiều người dân gửi đơn tố cáo ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Hợp tác xã Bầu trời công nghệ (Sky Mining) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sky Mining là hệ thống đầu tư ủy thác đa cấp qua mô hình hợp tác xã đào tiền số, là mạng lưới đầu tư máy đào tiền ảo lớn tại Việt Nam. Sky Mining quy tụ hơn 5.000 nhà đầu tư với số tiền huy động ước tính hơn 800 tỷ đồng. Bị hấp dẫn trước lời cam kết chỉ cần đóng tiền vào tài khoản của Sky Mining thì trong 12 tháng được trả vốn và lãi từ 300% - 350%, nhiều nhà đầu tư thậm chí đã “vay nóng” để đầu tư máy đào tiền điện tử. Giờ đây họ đứng ngồi không yên vì ông Lê Minh Tâm đã biến mất và sau đó tuyên bố phá sản.
Tại Việt Nam, pháp luật vẫn chưa công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ, nên mọi giao dịch thanh toán bằng đồng tiền này đều bị coi là vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, báo chí cũng nhiều lần cảnh báo về tính rủi ro khi đầu tư bằng các loại tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, trước những khoản lợi hấp dẫn được chiêu dụ, nhiều người vẫn tham gia đầu tư bất chấp những cảnh báo được đưa ra. Vì vậy người dân cần tỉnh táo trước những lời hứa hẹn “có cánh”, bởi đến khi biết bị lừa, trình báo cơ quan công an thì cũng khó lấy lại những gì đã mất.