Rưng rưng với tết miền sông nước

Ra mắt vào những ngày cuối năm, tập tạp bút Ăn Tết, chơi Tết miền Tây (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của tác giả Trần Minh Thương là cuốn sách khác biệt hẳn so với những ấn phẩm ra mắt trước đó. Cuốn sách cũng góp phần giúp độc giả ở những vùng miền khác có thể hình dung một cách sinh động không khí, hương vị, sắc màu một cái tết miền sông nước thuở xa xưa nhưng vẫn còn lưu luyến đến tận hôm nay.

Khi độc giả đã say sưa chiêm ngưỡng một loạt sách tết từ các đơn vị xuất bản trong nước như Nhâm nhi Tết (NXB Kim Đồng); Tết đoàn viên (Sống và NXB Thế giới); Sách Tết Canh Tý 2020 (Đông A và NXB Văn học); Tranh Tết - Nét tinh hoa truyền thống Việt (Thái Hà và NXB Thế giới) thì cuốn sách Ăn Tết, chơi Tết miền Tây xuất hiện có phần muộn hơn nhưng lại mang phong vị lạ và không kém phần hấp dẫn khi tập trung khai thác về cái tết nơi miền Tây sông nước.

Theo chia sẻ của tác giả Trần Minh Thương, đã từ rất lâu, cứ vào dịp tết đến, xuân về, người dân miền Tây Nam bộ lại bắt đầu những công việc với họ chưa bao giờ là cũ, là hết thú vị mà luôn tràn đầy sự háo hức, vui tươi. Khi xuân đã nhẹ nhàng báo hiệu trên những vồng cải, bụi chuối, luống hoa vào vụ tết, người ta bắt đầu chuẩn bị nếp gạo để gói bánh, tráng bánh, làm mứt, làm dưa, rồi chuẩn bị tảo mộ, quét dọn sửa sang nhà cửa, trang trí bàn thờ trong nhà ngoài sân…

Rưng rưng với tết miền sông nước ảnh 1 Tập tạp bút "Ăn Tết, chơi Tết miền Tây" của tác giả Trần Minh Thương
Theo đặc điểm tập quán từng vùng miền, cách ăn tết, chơi tết mỗi nơi mỗi khác. Với 26 bài viết, tác giả Trần Minh Thương đã cố gắng truyền tải đến độc giả gần xa không khi ăn và chơi tết của người miền Tây, từ trước tết đến khi tết diễn ra.
Ở đó, độc giả biết được cách người miền Tây Nam bộ tết nhà, tết vườn, tết giếng, tết ghe, tết Trâu, cúng ông Chuồng bà Chuồng, cúng ghe… Đó là những nét đẹp trong văn hóa gắn liền với nền kinh tế tự túc tự cấp từ ngày xưa. Người dân miền sông nước ăn tết, chơi tết tuy bình dị nhưng rất kỹ lưỡng và chu toàn cả về mặt tâm linh lẫn cách đối nhân xử thế trong nghĩa tình làng xóm.
Nói đến miền Tây, có lẽ không thể không nhắc đến đặc trưng là những chợ nổi trên sông. Và đặc biệt, vào ngày tết, hình ảnh người dân đi chợ tết trên chợ nổi miền Tây trở nên sinh động và đầy quyến rũ: “Khoảng từ rằm tháng Chạp trở đi, chợ nổi đã tấp nập ghe xuồng lên xuống hàng để phục vụ bà con. Cả quãng sông dài vài cây số tấp nập ghe xuồng, rộn ràng tiếng nói vang cả mặt sông: tiếng gọi hàng í ới, tiếng hô tránh đường, tiếng máy nổ, tiếng chèo rẽ nước, tiếng người chào nhau…”.

Ở đó, độc giả được thấy ghe bán hàng neo đậu chất đầy những hàng hóa thiết yếu như: bánh mứt, hoa quả, vải vóc, quần áo đến dưa hấu, chuối xiêm, dừa tươi, bắp cải, củ hành, củ kiệu… Và nữa là những chiếc xuồng ba lá thoăn thoăn thoắt hai mái chèo của những cô gái mặc áo bà ba, nón lá quai hường đi chợ về ăn tết. Dấu ấn văn hóa dân gian ẩn chứa nhiều điều thú vị ở những phiên chợ nổi ngày tết.

Tác giả Trần Minh Thương, hiện là giáo viên tại Sóc Trăng, và là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Trước tập tạp bút Ăn Tết, chơi Tết miền Tây, anh đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian nơi miền sông nước. Có lẽ nhờ vậy mà trong cuốn sách vừa ra mắt, bên cạnh cái tình, sự tinh tế trong quan sát và truyền tải, dấu ấn của một người làm nghiên cứu cũng được thể hiện qua sự công phu và chỉn chu.

Tin cùng chuyên mục