Ruộng đồng bỗng nhiên nhiễm mặn

Ở “vựa lúa” Thái Bình, hơn 1.000 hộ dân đang xót xa, lo lắng trước tình trạng hàng trăm hécta lúa bị “ngộ độc” nước mặn.
Người dân xã An Tân nhổ khóm lúa để minh chứng bị “ngộ độc” nước mặn
Người dân xã An Tân nhổ khóm lúa để minh chứng bị “ngộ độc” nước mặn

Ngày 30-5, phóng viên Báo SGGP đã có mặt tại xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình để xác minh sự việc.

Từ nhà văn hóa của xã, hàng trăm người dân dẫn chúng tôi ra “mục sở thị” những cánh đồng. Trước mắt, ruộng đồng xơ xác, những đám lúa vàng quạch, thiếu sức sống. Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Chi bộ thôn Tân Phương, chỉ xuống thửa ruộng nhà mình cho biết, ruộng đã bị “nhiễm độc” nước mặn, lúa quá lứa mà không đậu hạt. Những chủ hộ khác cho hay, đã tranh thủ nhổ lúa, trồng dưa để tránh thất thu, nhưng dưa cũng chẳng lớn được.

Bà Vũ Thị Luyên (thôn Tân Phương) không kềm nổi nỗi xót xa vì hơn 1 mẫu ruộng (hơn 3.600m2 gồm lúa và hoa màu) của gia đình bà đang chết lụi rất khác thường. Hiện tượng này bắt đầu xảy ra từ đầu năm 2023, sau khi xuống mạ được khoảng 10 ngày thì mạ đỏ rực, không lớn được, rồi chết héo. Gia đình bà vội mua mạ ở các xã lân cận về trồng dặm, nhưng cũng chết. Đến nay cả mẫu ruộng không còn một khóm lúa nào.

Không riêng gia đình bà Luyên, hàng ngàn hộ dân ở xã An Tân cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều nơi đã vào mùa gặt nhưng người dân nơi đây vẫn không có được hạt thóc nào, cái đói cận kề. Bà con nông dân cho biết, do lúa chết lụi, nguồn thu không có nên nhiều gia đình đang chạy ngược chạy xuôi đong từng đấu gạo.

“Đến thời điểm này ước tính 70% lúa và hoa màu đã bị thiệt hại ”, ông Nguyễn Văn Long thống kê. Nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này là do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Tân đã mở nhầm cống ngăn mặn, khiến nước mặn tràn vào nội đồng, gây “ngộ độc” đất và hoa màu.

Người dân ở xã An Tân đề đạt nguyện vọng: các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để tìm nguyên nhân, sớm có kết luận để xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan, đồng thời có biện pháp hỗ trợ người dân vượt qua nguy cơ thiếu đói cũng như giải pháp thau chua rửa mặn cứu ruộng đồng. Báo SGGP sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Chủ tịch UBND xã An Tân phủ nhận lúa chết do xả nhầm nước mặn

Ông Vũ Công Thành, Chủ tịch UBND xã An Tân, cho biết, ở xã không chỉ có lúa mà người dân còn trồng cây thuốc lào, dưa lê, hành, tỏi và nhiều hoa màu. Tổng diện tích canh tác của xã khoảng 170ha, trong đó riêng lúa là 130ha của hơn 1.000 hộ dân. Sau khi xảy ra sự việc nghiêm trọng này, người dân đã có đơn phản ánh lên UBND xã để yêu cầu làm rõ nguyên nhân; sau đó, chính quyền xã đã có cuộc làm việc với người dân và báo cáo sự việc lên cấp huyện. Tuy nhiên, ông Thành vẫn không thừa nhận lúa chết là do xả nhầm nước mặn.

Tin cùng chuyên mục