Thiết kế vi mạch

Rút ngắn khoảng cách

Rút ngắn khoảng cách
Rút ngắn khoảng cách ảnh 1

Sản xuất chíp làm bóng đèn tiết kiệm điện tại Công ty Nano phát sáng.

Thiết kế vi mạch (IC) là ngành công nghệ cao và có thị trường lớn nhưng còn quá mới mẻ đối với Việt Nam. Chính vì vậy, theo một số chuyên gia, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực nhằm đưa ngành này đến gần với thế giới hơn.

Ông Phạm Năng Tùng, chuyên gia thiết kế vi mạch Qualcomm, Hoa Kỳ (Cố vấn cao cấp ICDREC - Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết những ứng dụng của IC (chíp) trải rộng từ cái điều khiển ti vi, điện thoại, xe, máy tính, máy nghe nhạc MP3 và thậm chí trong cả đồ chơi của trẻ em. Khi công nghệ chế tạo IC càng phát triển, càng nhiều transistor có thể chứa đựng được trong IC nhỏ và nhiều tính năng có thể cài vào trong một IC.

Hiện nay, tuy thị trường IC lớn và trải rộng toàn cầu nhưng đa số thị phần lại tập trung vào vài công ty, đa số là các công ty Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, các quốc gia khác chiếm thị phần rất nhỏ. Còn ở nước ta, mặc dù thiết kế vi mạch còn tương đối mới mẻ nhưng với việc triển khai nhà máy lắp ráp, đóng gói linh kiện điện tử 1 tỷ USD của Intel tại Khu công nghệ cao TPHCM đã mở ra  cơ hội lớn để chúng ta tham gia công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch. 

Hiện nay tại nước ta có một số công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực vi mạch, như Công ty Renasas của Nhật Bản thiết kế cho thị trường SoC (system-on-chip-hệ thống trên chíp) dựa vào bộ xử lý (processor) của Hitachi và ARM. Các công ty khác mới có mặt tại Việt Nam là công ty Samsung, STMicroelectronics và Altera. Hiện tại Samsung chỉ có kế hoạch sản xuất điện thoại cầm tay; STMicroelectronics dự định mở lớp đào tạo cho kỹ sư Việt Nam và sẽ tập trung về set-top box cho vệ tinh.

Ngoài ra, còn có công ty nhỏ của Việt kiều như SDS, Signet chỉ làm một phần như bộ nhớ hoặc tổng hợp cho khâu đầu cuối trong thiết kế. Theo nhận định của ông Tùng, Việt Nam có một lực lượng chuyên gia Việt kiều có trình độ học vấn cao và có nhiều năm kinh nghiệm trong các công ty hi-tech. Họ có thể lấp vào lỗ hổng trong khi chờ đợi đào tạo thế hệ mới. Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam hiện chỉ có một vài công ty về thiết kế vi mạch, vì vậy cần có chính sách và đầu tư thích hợp để thu hút nhiều công ty vi mạch tham gia đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, cũng cần tạo cơ hội nhiều hơn để nhiều công ty vi mạch ra đời.

Ông Tùng còn cho rằng sự ra đời của ICDREC và những dự án đã và đang thực hiện bởi ICDREC là sự đầu tư và bước đi đúng hướng. ICDREC đã lôi kéo được nhiều công ty đỡ đầu như Synopsys, Qualcomm; Chíp xử lý 8 bit đầu tiên của Việt Nam thiết kế bởi ICDREC là bằng chứng cho thành công ban đầu. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ kinh phí lớn hơn, nhiều trường đại học tham gia vào dự án lớn hơn, tác động của sự thành công sẽ lớn hơn. 

Tuy nhiên sự hợp tác giữa các trường đại học trong lĩnh vực thiết kế vi mạch của Việt Nam còn rất yếu. Ở Hoa Kỳ có nhiều dự án, trong đó mỗi trường chịu trách nhiệm một phần dựa vào khả năng chuyên môn. Việt Nam cũng cần có dự án như vậy để thúc đẩy phát triển công nghệ vi mạch. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn sự cộng tác của các trường đại học trong nước và nước ngoài trong đào tạo và thiết kế vi mạch. Có như vậy mới đẩy nhanh được sự phát triển công nghệ thiết kế vi mạch, tiến tới rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển.

Phước Ngọc

Tin cùng chuyên mục