
Có thể nói, việc “rút ruột” xăng dầu bên ngoài cảng Cát Lái và Nhà Bè đã trở thành một quy trình chặt chẽ. Đây không chỉ là nguồn cung cấp của những cây xăng lưu động - thường “nhập” số lượng ít, mà còn của cả những trạm xăng lớn. Nhưng điều nguy hiểm nhất khi lần theo dấu xăng chảy thì không chỉ là chuyện đánh cắp xăng dầu.
Đi miền Đông, về miền Tây
Bám theo một chiếc xe gắn máy chở bốn can xăng chạy từ một bãi đất trống ra đại lộ Nguyễn Văn Linh về hướng cầu Bình Điền, chúng tôi thấy cứ đến mỗi trạm xăng bơm tay dọc đường, anh thanh niên lại tấp vào bỏ vội xuống một can, lấy tiền rồi đi tiếp.
Chưa đầy 30 phút, “hàng” đã được thả hết, dù đoạn đường này có đến gần 50 điểm bán xăng lẻ. Ghé vào một điểm bán xăng lẻ vừa nhận “hàng” để đổ 1 lít xăng, chúng tôi phải trả đến 17.000đ. Hỏi sao mắc vậy, chị bán xăng cự nự: “Tui lấy một can 30 lít hết 420.000đ, bán hết được 510.000đ, lời chỉ 90.000đ chứ mấy(!?)”. “Sao chị không mua của tài xế cho rẻ hơn?”, chúng tôi hỏi. “Họ đã có mối lái làm ăn với nhau lâu rồi, mình không dễ gì quen được. Với lại họ cũng cảnh giác, thấy người lạ thì không bao giờ rút xăng bán đâu”, chị khẳng định.

Vận chuyển xăng dầu đi bỏ mối cho các điểm bán xăng lẻ
Thử tính, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe bồn nhận xăng dầu từ cảng Nhà Bè giao cho các cây xăng, trung bình mỗi xe bị tài xế “rút ruột” 2 can xăng (60 lít) thì số lượng xăng bị thất thoát mỗi ngày là một con số khủng khiếp. Quay trở lại phía cảng Nhà Bè, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những chiếc xe gắn máy chở những can xăng phóng xuôi ngược trên đường…
Trò chuyện với những người bán nước trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái, được biết có nhiều đầu nậu “cỡ bự” tập kết mỗi ngày lên đến hàng ngàn lít như H, B, T… với 4 “đại bản doanh” đều nằm trên liên tỉnh lộ 25B.
Phía trước các “đại bản doanh” của đầu nậu thường được ngụy trang bằng bãi rửa xe, còn phía sau có cây cối um tùm làm nơi chứa xăng. Cũng có đầu nậu dùng tôn dựng quanh một bãi đất trống lớn, chỉ chừa một cánh cửa phía trước để cho xe ra vào như đầu nậu B.
Mọi hoạt động bên trong, người ngoài không dễ gì biết được. Chỉ đến khi chiếc xe gắn máy của mối lái chở 4 can xăng chạy qua cánh cửa tôn, mới biết bên trong ngổn ngang can nhựa và mấy chiếc thùng phuy dựng đứng, loang lổ những vết xăng dầu.
Người dân cho biết, phần nhiều đầu nậu là người địa phương khác đến thuê đất dựng lều làm nơi chứa xăng, người trong vùng chỉ là những mối lái nhỏ mua xăng từ tài xế rồi bán lại cho đầu nậu.
Nhiều buổi chiều bám khu vực này, chúng tôi phát hiện đầu nậu cho xe ba gác chở hàng trăm lít xăng dầu từ các “đại bản doanh” đi giao hàng cho các cây xăng ở ngoại thành TPHCM như quận 9, Thủ Đức.
Theo một tay chuyên chở thuê xăng dầu lậu, ngày nào cũng chở từ 3 đến 4 chuyến đi bỏ mối cho các đại lý xăng dầu trong thành phố. Mỗi chuyến khoảng 300 lít, đều là xăng đã qua pha chế. Nhưng cũng có khi đầu nậu yêu cầu chở “hàng” về tận Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để giao cho các mối lái xăng dầu ở đây tiêu thụ.
1.001 chiêu thức
Xăng dầu bị mất nhiều như thế, tại sao các doanh nghiệp nhập xăng không hay biết? Vậy phải có sự thông đồng giữa người giao và người nhận?
Theo dân trong nghề, còn nhiều cách khác mà khỏi phải “ăn chia”, lại an toàn. Lân la tại các quán cà phê trước khu vực cảng Cát Lái, chúng tôi nghe giới tài xế xe bồn truyền tai nhau cách “rút ruột” xăng dầu hết sức tinh vi. Đó là thiết kế những cái bồn đựng xăng nhỏ nằm ngay bên trong bồn lớn của xe, kiểu “mẹ bồng con”.
Theo kết cấu, mỗi xe bồn chở xăng dầu hiện nay có đến 4 bồn nhỏ với 3 vách ngăn nằm bên trong, giữa các vách ngăn luôn có một khoảng trống nhằm để làm giảm áp lực xăng trong bồn mỗi khi lưu thông.
Tài xế đưa xe vào các bãi sửa chữa xe tải để thợ hàn dùng khoan khoét một lỗ lớn thông từ bồn ra các vách ngăn, rồi tạo một van nhỏ bên ngoài các vách ngăn để tiện cho việc rút xăng ra.
Do đó, khi tiến hành giao xăng cho các đại lý nếu đo thể tích của bồn thì đều đạt số lượng. Nhưng khi trút xăng từ xe xuống hầm chứa, lượng xăng trong các bồn chứa phụ vẫn còn đầy. Và như thế tài xế yên tâm đưa “hàng” đi tiêu thụ mà không sợ ai nghi ngờ…
Theo các địa chỉ mà họ nói, chúng tôi đã phát hiện trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái có đến 4 bãi sửa chữa xe tải kiêm luôn công việc “đục thùng” như trên.
Độc chiêu hơn, một số tài xế còn lợi dụng lúc trời trưa nắng nóng đậu xe suốt đoạn đường dài, rồi ung dung vào quán uống nước, nằm nghỉ hàng giờ đồng hồ để chờ… xăng nở.
Theo mối lái xăng dầu, với loại xe bồn chứa đến 16.000 lít xăng thì việc tài xế rút hàng trăm lít xăng rồi chỉ cần xốc cho xăng nở là đã qua mặt được các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Bởi khi giao xăng, một số chủ cây xăng thường chỉ dùng thước cây chuyên dụng thọc xuống bồn rồi theo mức thước bị thấm xăng mà tính ra thể tích nên không dễ gì phát hiện được lượng xăng bị rút.
Nguy hiểm nhất là cách mà chúng tôi tận mắt chứng kiến: Sau khi rút xăng bán, các tài xế thường đổ vào bồn những loại xăng dầu kém chất lượng để thay thế. Cũng có nhiều tài xế bạo gan hơn, họ chạy vào các bãi rửa xe trên tuyến đường liên tỉnh lộ 25B cho bơm nước vào bồn, dùng máy sục cho nước lắng xuống nằm dưới đáy bồn, rồi mới đi giao hàng cho các cây xăng.
Như vậy, rõ ràng là xăng kém chất lượng đã được phân phối đi khắp nơi. Hậu quả là người tiêu dùng bị thiệt mà không biết phải kêu ai!.
Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận 2 cho biết, trước đây đội đã xử lý nhiều trường hợp mua bán xăng dầu trái phép trên các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái. Cụ thể, tháng 9-2007, bắt giữ Nguyễn Thị Hiền (ngụ quận Thủ Đức) đã cấu kết với Trần Thị Hiền (ngụ tại quận 2) mua bán trái phép 2.460 lít xăng dầu các loại tại nhà không số ở phường Cát Lái. Trung bình mỗi ngày, Hiền mua không dưới 2.000 lít. Cuối năm 2007, Công an quận 2 cũng đã lập biên bản tịch thu 1.300 lít xăng dầu (chứa trong can nhựa loại 30 lít) trên xe tải 58V-3876 do Trần Văn Phước (ngụ tại Thủ Đức) điều khiển đang lưu thông trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Bình Trị Đông, quận 2. Theo lời khai của Phước thì số hàng trên, Phước nhận chở thuê của một đầu nậu, đang đi giao hàng cho một cây xăng ở quận 9 thì bị bắt giữ… |
Nhóm PV Kinh tế
Thông tin liên quan:
Bài 1: Rời cảng, xăng... bốc hơi