Sắc màu U Minh Thượng

Sắc màu U Minh Thượng

Sau vụ cháy gây bàng hoàng cả nước vào năm 2002, rừng Quốc gia U Minh Thượng (UMT), một rừng tràm thuần nhất và lớn nhất cả nước, đã xanh trở lại.

Sắc màu U Minh Thượng ảnh 1

Phiên bản rái cá vùng U Minh Thượng.

1. Vào mùa hanh khô, U Minh thêm tinh khôi, quyến rũ bởi bông tràm nở hoa trắng xóa, ong từ khắp nơi tụ về hút mật thỏa thích trên nền xanh của rừng. Nhắc đến lá tràm, thế hệ “ăn rau rừng” bám trụ U Minh thường hoài tưởng đến chiếc “lá U Minh” màu xanh lục rất đẹp (một loại cây họ dương xỉ mọc thành cụm, cuống dài, lá kép lông chim) và “nón mật cật thơm mùi nắng mới” chỉ có ở xứ này. Sản vật mật ong vàng sánh, thơm hương tràm đặc trưng song hành với nghề gác kèo ong đã có hàng trăm năm tạo cho U Minh hương sắc riêng, thật độc đáo.

Đặc biệt, bằng phương pháp bẫy ảnh, năm 2000, người ta đã phát hiện UMT là nơi duy nhất của Việt Nam có loài rái cá mũi lông Lutra Sumatrana cực quý hiếm trên thế giới mà sau này được đặt làm logo biểu tượng cho vườn Quốc gia UMT. “Đây là một kỳ công vô cùng thú vị”, tiến sĩ Hiroshi Sasaki, Tổng thư ký Tổ chức Nghiên cứu Rái cá Nhật Bản, nhận định. Cũng năm này, các nhà khoa học Đại học Hoàng gia Anh ngỡ ngàng khi phát hiện tại đây một gốc tràm trên 3.500 năm tuổi… Địa danh UMT, vị trí thứ  hai trong hệ sinh thái rừng ngập nước của thế giới sau rừng Amazon, càng thêm nổi tiếng. 

2.  Sự giàu có, hào sảng của U Minh cũng thuộc hàng “đệ nhất”. Chuyện xưa kể lại, xứ này tôm, cá ê hề, “chỉ tiếng sấm động mà cá quậy vang xa cả vùng, cá dồn xuống đìa ục như cơm sôi; tôm dậy nước phóng lên ghim ngập chiếc khăn chùm đầu, gỡ cân được… hai ký lô tám”.  Còn chuyện ngày nay, theo anh Sáu Tuấn – Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang kể lại, hồi cháy rừng năm 2002, ngồi trên trực thăng nhìn xuống thấy hàng đàn heo rừng chạy tán loạn.

Cũng đợt đó, cả ngàn quân đóng ở UMT chữa cháy rừng, thực phẩm đủ nuôi quân cả tháng; sang U Minh Hạ chưa đầy tuần phải mang trực thăng chở cá bên này sang nuôi quân. Năm 1998-1999, khi còn cho khai thác cá, nơi đây thu về trên 2 tỷ đồng… Cá UMT có con nặng trên 7kg đem triển lãm ở Cần Thơ khiến người xem giật mình, cá rô nặng 1,8 – 2kg không phải hiếm.

Sống trong kênh rạch trầm thủy nên đầu cá bự, thân đen chũi trông “hung hăng” lắm chứ không trắng bệch như cá chợ; mình chắc lẳn, bỏ vô nấu lẩu ngọt lịm. Mắm U Minh cũng thật ngộ, chưa sôi mặt lẩu đã dậy mùi, rau trụng mấy lần mà nước vẫn đặc quánh. Nhiều vị lãnh đạo cấp cao mỗi khi về Kiên Giang công tác đều nhắc đến hương vị đồng quê đậm đà này. Món này, nếu di dời ra ngoài không gian U Minh thưởng thức thì “mười phần chỉ còn ba”.

Sắc màu U Minh Thượng ảnh 2

Trong rừng U Minh.

3. Thảm họa cháy rừng năm 2002 kéo dài suốt 21 ngày đêm tại đây đã “nuốt” thêm của UMT 2.500ha. Hình ảnh ông Mười Đởm, người lính già cả đời gắn bó với rừng, tấm tức khóc xuất hiện trên các trang báo làm nao lòng người. 100 năm nhìn lại, càng xót xa thay cho “lá phổi đồng bằng”, báu vật thiên nhiên. Năm 1945, theo thống kê của Pháp, rừng Kiên Giang có diện tích 254.300ha (rừng tràm chiếm 178.000ha) với độ che phủ 39% tổng diện tích tự nhiên, trữ lượng gỗ là 27 triệu m3.

Trong chống Mỹ, mặc dù là nơi địch toan tính hủy diệt, “nhổ cỏ U Minh” nhưng đến năm 1975 vẫn còn 92.249ha (rừng tràm chiếm 50.863 ha) với các tỷ lệ tương ứng: 14,4% - gần 17 triệu m3. Ba năm sau (1978) chỉ còn 21.800ha. Đến nay, theo không ảnh, diện tích vùng lõi, vùng quan trọng nhất, “teo” còn vỏn vẹn 8.042ha. Kho vàng xanh không thể để có nguy cơ cạn kiệt.

Sau vụ cháy, tỉnh tập trung đầu tư 60km đường trải nhựa đê bao vùng đệm, kéo thêm 7km đường điện thọc vào trung tâm vùng lõi, phủ sóng điện thoại di động và Ban giám đốc mới gồm một tiến sĩ, một nguyên chủ tịch huyện An Minh “hiểu từng hơi thở của rừng”. Bây giờ, ở UMT người ta nhập liệu thêm thông số mực nước ngầm và tỷ lệ bốc hơi của nước… để dự báo cháy.

“Đầu mùa khô phải giữ được mực nước trong vùng lõi cao hơn chân rừng 0,6m, cuối mùa khô điều tiết sao cho mực nước thấp hơn chân rừng 0,4m. Tảng “bông gòn” (than bùn) khổng lồ hàng tỷ mét khối nằm ngay phía dưới sẽ luôn có độ ẩm an toàn, thích hợp”. Phó giám đốc VQG UMT Lê Hoàng Hưởng còn cho biết, nhờ phát triển kinh tế cộng đồng mà ý thức, trách nhiệm của người dân vùng đệm (diện tích 13.096ha – hơn 3.200 hộ) cao hơn trước rất nhiều.

Trên 52% dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 95% sử dụng nước sạch, 96% trẻ em đến tuổi được đến trường… “Dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm” (cấp 4ha đất/hộ, đầu tư vốn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá sặc rằn, trồng màu, trồng cây công nghiệp…) giúp bao người tay trắng đổi đời ngay nơi rừng sâu heo hút. Giữa rừng UMT, người dân xây nhà mới cả trăm triệu, bật ti vi theo dõi thời sự, nghe cải lương, xài bếp ga và có hộ dùng cả máy lạnh.

Chị em Phạm Hồng Ý, Phạm Hồng Thu trở thành triệu phú khi chưa đầy 30 tuổi; Tư Bình (Phan Văn Bình) chỉ sau 2 năm đã đưa đàn bò của mình lên gần 50 con, gấp đôi hồi đầu; anh Nguyễn Phú Cường, 57 tuổi, người xã Minh Thuận gắn bó với UMT từ năm 1991 cũng là một điển hình xen canh tổng hợp từ chân rừng tràm: trồng chuối, trồng màu, đào vuông nuôi cá; ở xã An Minh Bắc, 100% người dân nhận đất trồng rừng (trồng mới 970ha nâng diện tích tràm tự trồng lên 1.470ha)… Vườn QG UMT sẽ dành 60ha để xây dựng khu du lịch sinh thái với các loại hình nghỉ dưỡng, cắm trại, tham quan Làng rừng UMT thu nhỏ…

Hiện nay, mỗi tháng có trên 5.000 lượt khách đến khám phá đất trời U Minh. Đã qua ba mùa khô khắc nghiệt, rừng UMT vẫn luôn chỉ ở mức báo động cấp I (có 5 cấp độ). Tràm đã hồi sinh, vươn cao đến 4-5 mét trên hầu hết diện tích rừng bị cháy. Ghi nhận mới nhất tại đây có khoảng 260 loài thực vật, 470 loài động vật, gần 200 loài chim với trên 1 triệu cá thể,  nhiều hơn 60 lần trước khi cháy. Cả vùng đệm, cả rừng tràm UMT lại thăm thẳm, ngút ngàn màu xanh.

Người U Minh như cây tràm, cây đước quen đối mặt với bão giông, bền gan bám biển, giành lấy từng hạt phù sa, mở rộng bờ cõi và ngày càng tỏa bóng lên đất rừng.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục