Giao thừa tết âm lịch đang cận kề. Hầu hết người dân châu Á đã kịp vượt qua những chặng đường xa để về nhà, chuẩn bị những ngày sum họp ý nghĩa nhất trong năm. Đó cũng là lúc những lễ hội truyền thống của các quốc gia thăng hoa.
Ngày tết long trọng của người Trung Quốc
Từng địa phương của đất nước này có những tập tục truyền thống khác nhau để đón chào năm mới nhưng có một điểm chung, đúng đêm giao thừa, mọi thành viên trong gia đình sẽ cùng tụ tập bên nhau cho bữa cơm đoàn viên. Cả nhà mặc áo mới, ngoài cửa dán câu đối đỏ, bên trong dán tranh đủ màu sắc.
Ở miền Nam Trung Quốc, bữa cơm đoàn viên thường không thể thiếu được món đậu phụ và cá, bởi vì trong chữ Hán các từ này đồng âm với từ “phú quý”, “dư thừa”. Trong khi đó ở miền Bắc, người dân không quên thưởng thức món bánh bao hấp, bởi vì theo cách phát âm tên bánh hấp của người Trung Hoa giống chữ “họp mặt”. Vì thế, bánh bao hấp tượng trưng cho sự “họp mặt”.
Tại đặc khu kinh tế Hồng Công, nơi được mệnh danh là kinh đô ánh sáng của châu Á, không khí tết đã tràn về khắp nơi. Vào tối mùng một, người dân Hồng Công sẽ nô nức rủ nhau đón lễ diễu hành kéo dài 90 phút với sự tham gia của các ban nhạc, vũ công và đoàn múa lân quy mô. Một trong những hoạt động không thể thiếu của người dân Hồng Công là tham gia lễ mở màn mùa đua ngựa tại Sân đua Sha Tin có sức chứa hơn 80.000 khán giả.
Tết khắp nơi
Từ năm nay, tết âm lịch là lễ hội chính thức ở Philippines. Tổng thống Philippine Benigno Aquino năm ngoái đã quyết định điều này bất chấp sự phản đối của một số người trong cộng đồng doanh nhân vì cho rằng nước này hiện đã có quá nhiều ngày lễ. Thời gian nghỉ lễ liên tục có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất, gây bất lợi nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Benigno Aquino, đây là dịp thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng người Philippines gốc Trung Quốc. Tết âm lịch là một trong số 17 ngày lễ được công nhận ở Philippines, giống như Giáng sinh, Phục sinh và lễ hội Eid al-Adha hay Eid al-Fitr của người Hồi giáo.
Tại Sydney, Australia - nơi tổ chức đón tết lớn nhất ngoài khu vực châu Á, tết âm lịch năm nay kéo dài 17 ngày với sự xuất hiện của rồng Komodo và gấu trúc trong các lễ diễu hành. Trong đó, lễ diễu hành chính sẽ diễn ra vào ngày 29-1, quy tụ 3.000 người tham gia biểu diễn. Đối tác lễ hội năm nay của thành phố Sydney là thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc - nơi ở của gấu trúc.
Thị trưởng Sydney Clover Moore ngày 17-1 đã phát động lễ hội và gửi thông điệp kêu gọi ý thức bảo vệ loài rồng Komodo đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ở Đảo quốc sư tử Singapore, nơi có 80% dân số người gốc Hoa, không khí xuân càng thêm rộn rã. Điểm nhấn đáng chú ý nhất của những ngày giao thời ở Singapore là lễ diễu hành nổi tiếng Chinggay của các khối mô hình cùng sự tham gia của các vũ công, võ sư, ảo thuật gia diễn ra ngay trước Tòa thị chính.
Tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, không khí đón năm mới theo lịch Mặt trăng cũng đã vô cùng rộn ràng. Con đường Yaowarat là khu phố Tàu sầm uất và năng động nhất ở Thái Lan. Cửa hàng được trang trí với hai màu đỏ, vàng sặc sỡ với hy vọng mang đến điềm lành. Những quầy hàng bày bán các món ăn truyền thống luôn tấp nập khách hàng.
Tết của người xa xứ
Tết cổ truyền là khoảng thời gian lắng đọng nhất mà người châu Á xa xứ hướng về quê hương. Dù đang sinh sống và làm việc ở đâu, những người con xa xứ cũng mong đến dịp tết âm lịch.
Thành phố San Francisco, Mỹ, là nơi tập trung người gốc Á đông và lâu đời nhất. Mọi người đón tết từ rằm tháng chạp đến rằm tháng giêng và không thiếu màn trình diễn quan trọng nào trong phần nghi thức, gồm cả lễ diễu hành và múa lân. Lễ hội đón tết của người Việt tại San Francisco đã diễn ra vào ngày 15-1 (22 tháng chạp) tại Little Saigon.
Tại Manhattan, New York, lễ mừng năm mới bắt đầu với màn bắn pháo hoa rực rỡ cùng màn biểu diễn văn nghệ… Tại bang Texas, các sinh viên Việt Nam cũng tổ chức bữa tiệc năm mới tại Trường Đại học Công nghệ Texas vào chiều ngày 19-1. Còn cộng đồng người Việt tại Seattle sẽ tổ chức Hội chợ tết vào ngày cuối tuần 21 và 22-1, tại các địa điểm lớn trong thành phố.
Ở nhiều nơi như Indonesia, Anh, Pháp, Canada, Đức, Phần Lan, Campuchia, Nga…, người Việt nhiều thế hệ đang sinh sống, làm việc và học tập đã cùng họp mặt, chia vui trong không khí xuân mới. Họ dành tặng nhau những lời chúc an lành và cùng thưởng thức hương vị món ăn truyền thống quê nhà với bánh chưng, dưa món và cùng trao cho nhau phong bao lì xì sắc màu đỏ thắm, cánh thiệp tết đầy ý nghĩa.
Như Quỳnh (Tổng hợp)