Tây Nguyên, ngày giáp xuân, tiết trời se lạnh. Trải dài trên những con đường đất đỏ bazan hun hút là những đám dã quỳ vàng rực, điểm xuyết màu trắng tinh khôi của bông cà phê đang thời khoe sắc. Đó là dấu hiệu của mùa xuân đang về trên đại ngàn Tây Nguyên.
Những chàng trai và cô gái người J’rai múa hát trong ngày lễ hội.
Tết sớm ở các buôn làng
“Ơ bà Rơ Châm Buk, đã lấy gạo và chum để chuẩn bị ủ rượu hay chưa? Còn thằng Rơ Châm Ní vào chuồng cho heo ăn, không được để nó ốm, chỉ còn dăm bữa nữa tới lễ cúng Yàng rồi đấy...”, ông Rah Lan Thi, người đàn ông dân tộc J’rai ở xã Ia Boòng, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) vừa chặt đám tre trong vườn, lên tiếng nói vợ con chuẩn bị việc nhà.
Khác với mọi ngày, hôm nay không khí trong gia đình ông Rah Lan Thi thật khẩn trương. Tết Ất Mùi đang đến thật gần, nên ông muốn vợ con phải lo mọi thứ thật tươm tất. Ngay khi vườn cà phê bắt đầu bung bông trắng xóa, bà Rơ Châm Buk, người phụ nữ “đầu ấp tay gối” cùng ông Rah Lan Thi gần 20 mùa rẫy qua, đã cần mẫn chọn những hạt thóc ngon nhất để ngâm ủ rượu cần, một thứ sản vật đặc trưng không thể thiếu trong những ngày lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Còn Rơ Châm Ní, đứa con trai út đang học lớp 7 được cha giao nhiệm vụ chăm sóc chú heo nhỏ. Chẳng hiểu được Yàng phù hộ hay nhờ sự mát tay của cậu bé mà “chú ỉn” này lớn nhanh như thổi.
Cách căn nhà sàn ông Rah Lan Thi chừng vài chục mét, gia đình bà Siu Dem cũng nhộn nhịp không kém. Trước sân nhà, đám con trai con gái của bà đang vo gạo, rửa lá chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét. Mặc dù Tết Nguyên đán là của người Kinh, nhưng gia đình bà và cả những hộ khác nữa trong làng, trong xã cũng có hạt dưa, bánh mứt và xúng xính quần áo mới.
“Giờ đây đồng bào mình khác xưa nhiều rồi, cuộc sống đã khấm khá hơn trước, không còn phải lo cái ăn, cái mặc nên mình cũng phải ăn tết cho ra trò chứ”, bà Siu Dem thổ lộ.
Cũng bánh chưng, củ kiệu, dưa hành
Những ngày này, đến với các buôn làng xa xôi ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông…, đâu đâu cũng ngập tràn sắc xuân đầm ấm, hạnh phúc. Cùng với trăm hoa đua nở, sắc vàng của hoa dã quỳ và hương thơm nồng nàn của hoa cà phê Tây Nguyên khiến lòng người lâng lâng một niềm vui khó tả.
Không như những vùng miền khác trên cả nước, Tây Nguyên là nơi quần cư của các dân tộc trên suốt chiều dài hình chữ S, nên khó có nơi nào người dân được đón một cái tết với đầy đủ các vùng miền như ở đây. Cũng hoa mai miền Nam, hoa đào miền Bắc. Cũng bánh chưng, dưa muối, thịt đông miền Bắc; bánh tét, mứt gừng, hành muối, cà muối của người miền Trung; thịt kho tàu, canh chua của miền Nam; cũng rượu cần, cơm lam của người dân tộc bản địa nơi đây...
Đối với họ, ngày Tết Nguyên đán thực sự đã trở thành ngày vui chung của cộng đồng các dân tộc anh em. Bà con thư giãn, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Trong những ngày đó, người dân tộc Bahnar, J’rai, Xê Đăng, Brâu, Rơ Mâm... cũng đến thăm nhà nhau và cầu chúc nhau một năm mới tốt lành. “Đồng bào dân tộc ở đây cũng ăn tết như người Kinh thôi, vì mình là anh em mà! Đây cũng là dịp để các gia đình cúng tạ thần linh, tổ tiên, cầu mong sức khỏe cho gia đình, người thân, cộng đồng.
Ngày tết, tại nhà văn hóa cộng đồng trong làng ngày nào cũng diễn ra các trò chơi dân gian, như nhảy bao bố, diễn tấu cồng chiêng, đẩy gậy... vui lắm”, anh A Thi - người dân tộc Rơ Ngao ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) chia sẻ.
Tây Nguyên cùng cả nước đang hối hả vào xuân, 47 dân tộc thiểu số anh em trên vùng đất Tây Nguyên, những người chủ của núi, của rừng đã và đang phấn đấu kiên cường, bền bỉ để có cuộc sống mới sang trang từng ngày.
ĐỨC TRUNG - THỤC VY