
1. Nhiều người vẫn còn nhớ, năm 2001 nhà thơ Anh Ngọc mạnh dạn cho đăng quảng cáo tập thơ mới của mình trên báo Thể thao và Văn hóa. Đó là tập thơ có tên Mạnh hơn tuyệt vọng, được in 1.000 cuốn, giá bìa 13.000đ. Sau khi quảng cáo này đăng lên, liền có ý kiến trao đổi quanh chuyện: nên hay không nên quảng cáo các tác phẩm văn học? Rồi thì mọi chuyện lại đâu vào đấy...

Sách văn học cần được quảng cáo đúng mực để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Ảnh: T.N.
2. Trước đó, khoảng những năm cuối thế kỷ 20, người ta kéo nhau đi xem thi sĩ Nguyễn Duy tổ chức “triển lãm thơ” của chính mình. Những câu thơ “bày” trên thúng, mủng, mẹt, giần, sàng, cối xay… thật ấn tượng. Rồi, cũng vẫn Nguyễn Duy, vẫn là cuộc chu du đưa thơ đi “tiếp thị” không chỉ trong lãnh thổ nước mình, nhưng lần này là cuộc chơi “đối nghịch”: thơ được “bắn” lên ảnh, rồi in trên giấy dó độc đáo, truyền thống của người Việt bằng công nghệ hiện đại của hãng HP. Và vẫn Nguyễn Duy “của rơm của rạ” tổ chức bán thơ mình bằng thương vụ “Lịch thơ Nguyễn Duy”.
Những lúc ấy, Nguyễn Duy được coi như một hiện tượng biết… làm ăn. Có những tiếng thị phi, có những lời khích lệ, có cả sự im lặng. Nguyễn Duy mặc kệ, ông vẫn làm, làm say mê, và không ngừng bước theo con đường mình chọn…
3. Một buổi sáng tháng 3-2006, Hà Nội mưa phùn. Trời ẩm ướt. Thời tiết này dễ làm người ta khó chịu. Nhưng đến cuộc họp báo công bố những ấn phẩm đã xuất bản và chuẩn bị xuất bản do một công ty cổ phần văn hóa - truyền thông tổ chức thì người ta thấy thật dễ chịu, bởi không khí ấm cúng, chân tình và đúng hơn là cách làm bài bản để tiếp thị sách văn học. Đã lâu lắm rồi, bạn yêu sách mới có dịp gặp gỡ,ø trò chuyện với các tác giả, dịch giả và các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình có danh tiếng, nghe những tác giả kể chuyện “hậu trường” của những cuốn sách. Cuộc họp báo giống như một cuộc gặp mặt chân tình của những người quen, có chung một điểm: yêu quý sách văn học.
4. Sách văn học là gì? Ở một góc độ nào đó, sách văn học cũng là hàng hóa - một thứ hàng hóa chứa yếu tố đặc biệt. Trong thời buổi này, hàng hóa cần phải nỗ lực tiếp thị để càng đông người tiêu dùng sử dụng càng… thắng lợi. Và hàng ngày chúng ta vẫn chứng kiến nhiều cách tiếp thị - quảng cáo ngày một sinh động, mới mẻ của các sản phẩm tiêu dùng.
Trong góc nhìn ấy, hàng hóa đặc biệt càng cần được quảng cáo, tiếp thị một cách bài bản, độc đáo. Tự nghĩ, hãy tiến hành quảng cáo đàng hoàng, vào những ô, những góc “dành cho quảng cáo” còn hơn là cứ nhập nhằng - “hầm bà lằng” bằng những bài tung hô lẫn nhau trên các diễn đàn mà đáng ra cần cho những vấn đề khác…
5. Có lẽ, đã đến lúc mọi người trong tất cả chúng ta cần phải thu xếp chính lòng mình để chấp nhận sự tiếp thị văn học - như là một sự tiến bộ của thời đại - bỏ đi tâm lý cho rằng văn học mà quảng cáo thì đâu còn là… văn học nữa. Sự quảng cáo khiến cho ta sống trong thời đại cuộn chảy này biết rằng mới có, đang có gì, để nhanh chóng đưa ra những định hướng cần thiết cho chính mình. Có thông tin rồi, quyết định ra sao: mua/ không mua là hoàn toàn do mình kia mà. Vấn đề còn lại chỉ là cách làm thế nào cho đừng phản cảm mà thôi…
Nói cho thật ngắn gọn: Mọi người nói chung, người yêu quý văn học nói riêng, họ muốn và cần sự sòng phẳng!
NGUYỄN THANH BÌNH