Sách văn học Việt Nam có “lép vế” ?

Sách văn học Việt Nam có “lép vế” ?

Theo ghi nhận chung, trên địa bàn cả nước, hệ thống nhà sách mọc lên ngày một nhiều, khẳng định nhu cầu đọc sách của người dân không ngừng được nâng lên.Thế nhưng, dường như đang có một nghịch lý : Trong số hàng triệu bản sách đang được tiếp thị, giới thiệu với bạn đọc, số đầu sách văn học Việt Nam dường như lại rất hiếm hoi…

Sách văn học Việt Nam có “lép vế” ? ảnh 1

Sách tràn ngập nhưng sách văn học Việt Nam vẫn hiếm hoi

Nhìn lên các kệ sách tại các nhà sách, có thể thấy có rất nhiều loại sách đủ các lĩnh vực của các tác giả trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm nổi tiếng còn được tái bản với hình thức trình bày ngày càng bắt mắt hơn. Trong đó, số lượng sách nước ngoài, nhất là tác phẩm văn học, chiếm tỉ lệ khá lớn và có tác giả có đầu sách áp đảo so với các tác giả trong nước.

Chẳng hạn, nhà văn Quỳnh Giao (Đài Loan) có đến gần 30 tác phẩm cùng được bày bán và nhiều tác phẩm từng có thời gian lên “cơn sốt” tại nước ta. Bên cạnh đó, các tác phẩm văn học phương Tây từ các loại sách tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, sách trinh thám, kinh dị… cho tới các tác phẩm đoạt giải văn học quốc tế Á, Âu… cũng hiện diện đầy đủ theo từng bộ.

Trong khi đó, sách văn học Việt Nam, kể cả những tác giả tên tuổi, cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mặc dù khá đông các cây bút thành danh từ trước Cách Mạng Tháng Tám như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao,Tô Hoài, Nguyên Hồng… đã có những tác phẩm được tái bản nhưng vẫn còn lẻ tẻ, chưa xứng tầm với những đóng góp của họ. Một số nhà văn như Lê Văn Trương, Bình Nguyên Lộc… có đầu sách đến con số trăm, nhưng số sách có mặt trên thị trường cũng không nhiều.

Gần đây, một số NXB thực hiện những bộ sách tuyển tập văn học. Đây là những công trình lớn, có ý nghĩa và rất công phu với văn học nước nhà. Tuy nhiên, những tuyển tập này phần lớn chỉ thích hợp với những người làm công tác nghiên cứu, còn với bạn đọc bình thường, muốn đọc một tác phẩm nào đó lại phải mua cả một bộ sách với giá sách quá sức của họ. Rõ ràng, so với nhiều tác phẩm nước ngoài, một số tác phẩm văn học Việt Nam không có nhiều cơ hội để đến với đông đảo bạn đọc.

Nhìn xa hơn, số tác phẩm của các cây viết trẻ Việt Nam dường như quá hiếm hoi trên các giá sách. Một vài cây viết trẻ chợt lóe sáng qua các đợt vận động sáng tác của một số NXB rồi vụt tắt. Trong khi đó, một số NXB lại thường xuyên săn đón thông tin, nhanh chóng tung ra thị trường, lăng xê những tác phẩm của những cây viết trẻ nước ngoài với những tác phẩm “ăn khách”, đang tạo nên những “xì căng đan”. Hầu như, rất hiếm có NXB trong nước, mạnh dạn đầu tư, lăng xê cho một nhà văn trẻ Việt Nam. Đây chính là một nghịch lý mà những người làm công tác xuất bản cần lưu tâm.

Thiết nghĩ, để người Việt Nam có thể hiểu biết hơn về nền văn học của chính mình, các NXB nên tập trung tái bản tác phẩm của những cây bút từng có đóng góp trên văn đàn trong nước. Để tác phẩm có thể đến được với đông đảo bạn đọc, chúng ta nên phát hành sách văn học Việt Nam với hai hình thức: Loại sách khổ nhỏ, trình bày giản dị dành cho sinh viên và đối tượng bạn đọc ít tiền và loại sách in giấy tốt hơn, trình bày đẹp hơn dành cho những người chơi sách và sưu tầm sách.

Các NXB cũng nên dành hẳn bìa 4 để giới thiệu đôi nét về tiểu sử của tác giả hay một số ý kiến đánh giá của các nhà phê bình về tác phẩm… Đó là một cách thể hiện sự trân trọng của NXB với tác giả, đồng thời cũng cung cấp những thông tin cần thiết cho độc giả.

NGUYỄN MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục