Sài Gòn mùa nước mát

Sài Gòn mùa nước mát

Nước mát là thứ nước uống được chế biến từ thảo mộc theo kinh nghiệm dân gian, có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể vào mùa nóng. Nắm bắt nhu cầu này, người Sài Gòn đã biến nó thành mặt hàng kinh doanh khá xôm tụ.

Sài Gòn mùa nước mát ảnh 1

Ông Mập bán nước mát. Ảnh: MINH LƯƠNG

Ở Sài Gòn, điểm bán nước mát có khắp mọi nơi nhưng tập trung nhiều có lẽ là đoạn từ cầu Bông đến gần Lăng Ông Bà Chiểu, có đến hơn chục xe nối nhau như một “phố nước mát”. Khách uống nước mát ở khu này rất đông, thậm chí, họ còn mua về nên các điểm bán phải thu mua chai pet nước tinh khiết để đựng nước mát bán cho khách. Có người uống nước mát thường xuyên thay nước lọc nên lấy chai pet đi đổi để được bớt 200đ. Có một dạo, “phố nước mát” cạnh tranh sôi nổi, nhiều xe trương bảng “uống có thưởng”, khách mỗi lần uống 1 ly giá 1.000đ được phát một phiếu, đủ 10 phiếu sẽ được tặng một chai. Vì vậy mà nhiều người đổ vào uống nước mát  làm mấy xe nước mía ế méo mặt.

Nước mát ở đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Tri Phương (có đến vài chục xe) giá cả không thống nhất, có xe bán 1.500đ/ly, xe bán 2.000đ. Xe nước sâm tại đây làm bằng inox, ly thủy tinh cũng có nắp đậy bằng inox, trông rất vệ sinh. Thực ra, nước đắng hay nước sâm đều được nấu bằng các vị thuốc mua ở phố đông y (Hải Thượng Lãn Ông) cũng không mắc hơn các loại rễ tranh, rau má bao nhiêu. Với 15.000đ/thang thuốc gồm hải thảo, sanh địa, hà thủ ô, bông cúc, huyền sâm, mạch môn có thể nấu được 5 lít nước. Theo những lương y thì các vị thuốc này có tác dụng lợi tiểu, mát gan, tuy nhiên uống nhiều có thể không tốt, gây hàn.

Cách nay 40 năm, xe nước sâm ở Chợ Lớn được trang bị như xe mì. Ngoài những tranh kiếng vẽ theo tích truyện Tàu, trên xe còn phải trang bị hai bầu “hồ lô” đặt trên lò lửa để giữ nhiệt. Khách muốn dùng nguội thì có những ly múc sẵn được đậy nắp kín, kẻ muốn uống nóng thì người bán sẽ múc trong “hồ lô”. Cách trang trí xe nước sâm như trên ít người thực hiện do giá đóng một xe mới gần 2 cây vàng, còn bình “hồ lô” phải đặt thợ thiếc gò, giá cũng không dưới 1 triệu đồng, chưa nói phải đặt hàng loạt nắp đậy ly bằng inox, mỗi cái tốn cả chục ngàn đồng. Ở Chợ Lớn hiện nay chỉ còn vài xe bán nước mát theo kiểu trên như xe trước Bệnh viện 7A (đường Nguyễn Trãi), xe trong chợ Thiếc (đường Lãnh Binh Thăng) và xe tại số 135 Trần Hưng Đạo B.

Phải nhìn nhận rằng xe nước sâm có “hồ lô” trông vô cùng hấp dẫn, ngoài hình thức đặc biệt nhằm thu hút khách, chủ nhân còn giới thiệu 3 loại nước có đặt tên hẳn hoi: “Thanh can thủy” có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, trừ mụn nhọt, táo bón; “Thanh tâm dưỡng phế thủy” trị ho, mất ngủ, khô cổ, khát nước và “Tán hàn thủy” có tác dụng tiêu thực, trị đau nhức, chảy nước mũi. Thông thường, nước sâm được chứa trong ly nhưng các xe “hồ lô” thì đựng sâm trong chén, mỗi chén giá 4.000đ, đặc biệt không cho nước đá. Khách muốn mua về nhà thì có nước đóng chai, giá 10.000đ. Các thứ nước sâm này đều do lương y Hiền Hữu pha chế. Nghe đâu, ông chủ xe “hồ lô” nước sâm này muốn mở thêm vài điểm ngoài Sài Gòn nhưng chưa tìm được người cộng tác.

Bán nước sâm có quảng cáo trị bệnh như lương y Hiền Hữu nhưng không trương bảng còn có Ông Mập. Ông Mập có xe đẩy nhưng bán cố định tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Huỳnh Thúc Kháng (Q1) vào thời điểm nhất định (buổi trưa từ 10 giờ đến 12 giờ rưỡi) từ 30 năm nay. Ông bán hai loại: nước sâm hoa cúc và nước đắng.

Nước đắng được ông quảng cáo trị được tiểu đường, bệnh đường ruột. Ông đoan chắc, cứ uống 10 chai (0,5 lít/chai) là khỏi bệnh tiểu đường, còn ai đang đau bụng, uống một ly nước đắng của ông trong vòng 5-10 phút là thấy kết quả (?). Khách hàng uống nước của ông chủ yếu giải khát hơn là chữa bệnh nhưng lớp uống tại chỗ, lớp mua về, kẻ 2 chai, người 4 chai làm ông trở tay không kịp. Cả ngàn chai nước sâm được bán hết vèo trong vài tiếng đồng hồ, quả đáng nể. Có người tìm đến nơi thì ông đã dọn hàng. Không sao, ông vui vẻ đưa danh thiếp và chỉ dẫn đến nhà ông, nước mát lúc nào cũng có.

LƯƠNG MINH

Tin cùng chuyên mục