
Quyển sách “Sài Gòn mùa thu 1945” được tập hợp từ bài viết, sáng tác của nhiều tác giả: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Ung Ngọc Ky, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Hoàng Mai Lưu, Tạ Thanh Sơn, Hưởng Triều, Trần Tấn Quốc, Ái Lan và do Tiến sĩ Phan Văn Hoàng chủ biên.

Bìa quyển sách “Sài Gòn mùa thu 1945”.
Phục dựng lịch sử trên cơ sở văn bản sử liệu, các bài phát biểu, thơ ca, âm nhạc, quyển sách đã tái hiện khá sinh động “mùa thu năm 1945, ở Sài Gòn có hai sự kiện trọng đại: khởi nghĩa giành chính quyền (25-8-1945) và mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (23-9-1945)…” (lời tựa giới thiệu của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu).
Sách gồm hai phần được sắp xếp theo tiến trình lịch sử, phần I: “Này anh em ơi! Tiến lên dưới cờ giải phóng” (nhạc Lưu Hữu Phước), khái quát những đặc điểm Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ; cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn năm 1945; đánh giá Thanh niên Tiền phong với quan điểm khoa học lịch sử; khí thế cách mạng của người Sài Gòn…
Phần II: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” (nhạc Tạ Thanh Sơn) đánh dấu một sự kiện lịch sử đặc biệt của Nam bộ “trong hoàn cảnh kháng chiến chưa nối được liên lạc với Trung ương, Ban lãnh đạo của Nam bộ phải tự quyết định lấy, dám nghĩ, dám làm” (Trần Văn Giàu). Đây là lúc Sài Gòn trước nanh vuốt của bầy lang sói, Sài Gòn trong vòng vây; Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ngày 23-9-1945 sục sôi một khúc ca yêu nước…
Phần cuối quyển sách có thêm tư liệu các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu Quốc: Gửi đồng bào Nam bộ ngày 26-9-1945 và Diễn văn đọc trong Ngày toàn quốc Kháng chiến 5-11-1945, khẳng định tinh thần kiên quyết kháng chiến, giành độc lập, tự do của toàn dân Việt Nam.
“Sài Gòn mùa thu 1945” là những trang tư liệu lịch sử quý báu, xúc động, dành cho bạn đọc, học sinh, sinh viên và những nhà nghiên cứu.
(*) NXB Công an Nhân dân, 2005
KIM ỬNG