
Sống ở Sài Gòn từ lúc sinh ra đến nay là 50 năm. Mãi đến năm thứ 45 của cuộc đời – nghĩa là 45 tuổi, mới lần đầu tiên được xuất ngoại – nghĩa là được ra khỏi biên giới một cách đàng hoàng, hợp pháp. Nước đến lại… gần xịch, thiên hạ đã đi đi, về về như đi chợ. Kệ, với ta là lần đầu, và cảm giác càng sớm bay càng tốt bởi lẽ đã có lúc ta nghĩ rằng, mình chẳng có số đi đâu ngoài đi công tác ở… ngoại thành cả.

Chợ Bến Thành, hình ảnh thân quen của Sài Gòn.
Ảnh: B.T.
Rồi khi đã ở trên trời, nhìn ra ô cửa máy bay thấy mây trắng tầng tầng, lớp lớp cũng chưa yên tâm gì mấy. Phải đợi một tràng tiếng Anh thông báo chào mừng đã đáp xuống sân bay nước bạn mới tin là thật. Này Sài Gòn ơi! Chào mi nhé, mi không “nhốt” nổi ta nữa rồi…
Đấy là cảm giác của kẻ ngỡ mình chẳng bao giờ được đi đâu nay đã “sổ lồng bay xa…”. Rồi thêm vài lần “bay xa” nữa, ở nước khác… Cảm giác ban đầu hết dần rồi… hết luôn. Vài ngày trôi qua, cái nhớ đầu tiên ở xứ người là… cơm, phở hay mì gói cũng được (những thứ ở nhà thì thèm vào).
Ở Philippines, nhảy ngay xuống chợ, “chơi” một vốc ớt tươi bỏ vào túi áo để lát về xì xụp với mì gói (ở đâu cũng thế: mì gói, ớt trái). Trời đày kẻ như ta. Trứng cá caviar tính bằng đô cũng mặc; sơn hào hải vị cũng mặc, cứ cơm, phở, mì gói, nước mắm, ớt trái… và nhớ… Sài Gòn – nơi kẹt xe, khói bụi, bận rộn; nơi công việc hàng ngày bận rộn đến phát cáu, phát nổi khùng lắm khi đùng đùng, inh ỏi với đồng nghiệp, bạn bè. Nay, chỉ dăm bữa, nửa tháng là trông đến ngày về…
Ở Singapore, thấy tiệm đề bảng hiệu “Phở Việt Nam” trên đại lộ sang trọng Orchard là mừng húm, nhảy vào, dù nhảy vào mới hay từ chủ đến phục vụ chẳng có ai nói được tiếng Việt cả, toàn nói tiếng Anh, tiếng Hoa. Phở cũng đắt đến lè lưỡi – một tô khoảng 80 ngàn đồng tiền Việt. Kệ, còn hơn cái bánh mì nướng, bơ, caviar, chỉ nhìn thôi cũng đủ ớn… Buổi tối, tạt xe vào quán bar nhạc Mỹ, bỗng có cô ca sĩ Singapore bập bẹ: “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi…”. Cô phát âm sai bét chỉ nghe loáng thoáng “Sài Gòn… Sài Gòn” là thấy quen thuộc quá, cảm động quá (đúng như cảm giác của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã gặp khi đến Chiang Mai…).
A! Sài Gòn của ta – nơi sinh ra – chốn người ta gọi là quê quán. Mấy chục năm nay ta cứ mãi thở than “làm được bài thơ “Quê hương” mà không có được một quê nhà để về ăn Tết…”.
Trời! Quê nhà nào nữa. Sài Gòn chứ còn gì? Nếu không phải thế sao ta lang thang vài bữa, nửa tháng ở xứ người là lo tìm cơm phở, cà phê đá, trà đá, là “nhớ món ăn quen…, nhớ ly chè thơm” (nhạc Trịnh Công Sơn) tức thì.
Sài Gòn đẹp lắm, dù nó đang ngổn ngang chuyện triều cường, nước ngập, chuyện xe cộ lung tung trên đường, chuyện xây cất bừa bãi, chuyện này, chuyện nọ…
Sài Gòn đẹp – khi dù thế nào ta vẫn nhớ nó. Vậy thôi!
ĐỖ