Sai phạm tại Vinashin: Đề nghị truy tố Phạm Thanh Bình và 8 thuộc cấp

(SGGP).- Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Cơ quan An ninh điều tra đề nghị truy tố nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Thanh Bình cùng 8 cán bộ thuộc cấp về tội danh trên. Bị can Phạm Thanh Bình được xác định có nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều dự án. Riêng 2 bị can Giang Kim Đạt (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Viễn Dương Vinashin) và Hồ Ngọc Tùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Vinashin) hiện đang bỏ trốn nên tách ra xử lý sau.

(SGGP).- Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Cơ quan An ninh điều tra đề nghị truy tố nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Thanh Bình cùng 8 cán bộ thuộc cấp về tội danh trên. Bị can Phạm Thanh Bình được xác định có nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều dự án. Riêng 2 bị can Giang Kim Đạt (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Viễn Dương Vinashin) và Hồ Ngọc Tùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Vinashin) hiện đang bỏ trốn nên tách ra xử lý sau.

Cơ quan điều tra xác định, sai phạm tại Tập đoàn Vinashin chủ yếu tập trung trong các dự án: mua tàu cao tốc Hoa Sen; đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định); nhà máy điện diezel Cái Lân (Quảng Ninh); bán vỏ tàu Bạch Đằng và dự án tàu Bình Định Star. Số tiền thiệt hại trong các dự án này lên tới hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng…

Nổi lên là việc Phạm Thanh Bình vội vã phê duyệt thực hiện xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng trong khi chưa báo cáo Thủ tướng, chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng dẫn đến dự án bị đình chỉ bởi cơ quan chức năng xác định nhập công nghệ lạc hậu, gây thiệt hại hơn 313 tỷ đồng. Tại dự án này, cơ quan An ninh điều tra xác định: ngoài việc nhập máy móc công nghệ cũ, lạc hậu, các bị can có liên quan còn thông đồng nhau làm hồ sơ giả để rút tiền từ nguồn trái phiếu quốc tế…

Đối với dự án tàu Bình Định Star, cơ quan An ninh điều tra cũng xác định, các bị can liên quan đã cấu kết nhau ký duyệt giải ngân hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ mà không thẩm định hồ sơ vay vốn, chưa được Hội đồng quản lý nguồn vốn phê duyệt, khiến dự án này mất khả năng thu hồi vốn, thiệt hại hơn 2 triệu USD.

Nhận định đây là một án kinh tế lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm, cơ quan điều tra đã bóc tách hành vi “cố ý làm trái” để xử lý trước. Hiện cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục làm rõ những sai phạm khác tại Tập đoàn Vinashin cũng như hành vi “tham ô tài sản” và những sai phạm khác.  

A.MINH

Tin cùng chuyên mục